10:23 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cảnh báo chiêu trò dán đè mã QR giả mạo để chiếm đoạt tiền

Lưu Kỳ (T/h) | 08:58 26/08/2023

(THPL) - Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng mã QR bên ngoài các cửa hàng dán đè mã khác nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung tại quầy. Một số nơi còn sao thành nhiều bản, dán tại nhiều khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến một số đối tượng thực hiện hành vi dán đè mã giả mạo.

Tại một xe bán cà phê di động, anh Tiến (quận Đống Đa, Hà Nội) dán tới 3 mã khác nhau, nhưng trước tình trạng giả mạo mã QR như hiện nay, anh dự tính sẽ giảm bớt các kênh thanh toán. "Mình bán một ngày 130 - 150 cốc. 70% là thanh toán trực tuyến. Thời gian tới mình sẽ chuyển về một kênh cho dễ quản lý", anh Hoàng Đình Tiến, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết. 

Trước đó vào đầu tháng 7, chủ cửa hàng tạp hóa tên H. từng lên tiếng cảnh báo việc bị lừa tiền hàng với hình thức lừa đảo dán đè mã QR. Người phụ nữ cho hay đã dán nhiều mã QR xung quanh các cột trong và ngoài cửa hàng. Đối tượng đã dán đè một số mã phía bên ngoài hòng trục lợi.

"Khách hàng mua 5 triệu đồng, do số tiền lớn, nên khi quét mã họ cẩn thận hỏi lại họ tên chủ tài khoản. Thông tin bị sai, nhưng tôi chỉ nghĩ họ quét sai mã, hướng dẫn vào bên trong nhà quét lại thì ra đúng tên của tôi", bà cho biết.

Hôm sau, một khách hàng quen nhờ chuyển một triệu đồng vào tài khoản để nhận tiền mặt. Sau khi quét mã QR bên ngoài, ứng dụng báo chuyển khoản thành công, nhưng bà H. chưa nhận được tiền. Lúc đó, chủ cửa hàng mới vỡ lẽ bị các đối tượng dán đè mã QR. 

Gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng mã QR bên ngoài các cửa hàng dán đè mã khác nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Ảnh minh hoạ

Liên quan đến thông tin trên, một lãnh đạo công ty giải pháp thanh toán mã QR, nhận định trong bối cảnh kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu hướng tất yếu. "Nhiều cửa hàng trà đá cũng đã chấp nhận thanh toán QR", vị này cho biết.

Theo ông, thanh toán số trước đây được xem là điều xa xỉ, lớn lao. Hai năm Covid-19 đã chứng kiến nhu cầu thanh toán không tiền mặt tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý cập nhật đúng ứng dụng ngân hàng, cẩn thận tin nhắn giả mạo với các thông tin không chính thống, không chia sẻ mã OTP cho người khác theo khuyến cáo của các ngân hàng.

Còn theo chia sẻ của anh Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) cảnh báo thời gian qua hình thức giả mạo, dán đè mã QR đã được ghi nhận dù chưa phổ biến.

Theo anh, hình thức giả mạo mã QR nhằm đánh lừa khách hàng khi họ quét mã QR để trả tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Cách thức dễ thực hiện, khi các đối tượng lén dán hoặc đặt biển có mã QR thay thế của chủ quán. Để hạn chế tình trạng chuyển tiền nhầm khi quét mã QR, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng mỗi lần thực hiện quét mã, nên kiểm chứng thông tin (số tài khoản, tên chủ tài khoản...) với chủ cửa hàng.

"Chủ cửa hàng có thể kiểm tra camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR và luôn rà soát những mã QR có liên quan đến việc chuyển tiền, sau đó thông báo cơ quan chức năng", chuyên gia Ngô Minh Hiếu nói.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm nay, thanh toán qua phương thức quét mã QR tăng hơn 150% về số lượng và hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Phương thức thanh toán này vẫn ngày càng thể hiện thế mạnh về sự tiện lợi trong các giao dịch. Dù vậy, để tránh các hành vi lừa đảo, trục lợi, người dùng cần xác minh kỹ các thông tin giao dịch trước khi quét mã chuyển tiền trực tuyến.

Lưu Kỳ (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu