11:17 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Các địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng hàng hoá phục vụ Tết 2023

Minh Anh (t/h) | 13:29 23/12/2022

(THPL) - Dự báo dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự hồi phục sau đại dịch. Trước diễn biến đó, các doanh nghiệp đang nỗ lực tăng sản xuất, dự trữ hàng hóa cho mùa tiêu dùng cuối năm.

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, lượng thịt lợn tiêu thụ tháng Tết vào khoảng 320.000 - 330.000 tấn, gia cầm khoảng 150.000 - 160.000 tấn. Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Khác biệt so với Tết Nguyên đán trước khi xảy ra COVID-19 đó là sức mua của chúng ta không còn giữ như trước đây. Về nguồn cung, chúng ta có 28,4 triệu con lợn; 531,7 triệu con gia cầm. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ các sản phẩm chăn nuôi cho dịp Tết”.

Giá lợn hơi đang ở mức thấp, nhưng theo nhận định của các chủ trang trại, từ nay đến cuối năm có khả năng sẽ tăng nhẹ.

Trong khi các trang trại, nông hộ đang tích cực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bà con các địa phương trên cả nước cũng đang chăm sóc rau màu phục vụ nhu cầu trong dịp Tết. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, vụ Đông toàn miền Bắc triển khai trồng khoảng 400.000 ha cây rau màu. Trong đó, riêng rau các loại khoảng 200.000 ha với sản lượng khoảng 3,6 triệu tấn. Hiện diện tích rau phục vụ cho dịp cuối năm và Tết còn khoảng 50.000 ha, tương đương sản lượng gần 1 triệu tấn.

Các địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng hàng hoá phục vụ Tết 2023. Ảnh minh hoạ

Nhằm phục vụ thị trường tết, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được gần 11.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó có hơn 4.200 điểm bán các mặt hàng lương thực và thực phẩm thiết yếu, đảm bảo giá cả hợp lý cho người tiêu dùng mua sắm Tết. Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực có kế hoạch tăng hàng sản xuất đảm bảo nhu cầu dịp cuối năm, mà các hệ thống phân phối lớn hiện cũng đã chuẩn bị nguồn hàng chủ lực tăng từ 20 - 30% so với Tết năm 2022.

Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hải Trường, Giám đốc siêu thị GO! Cần Thơ cho biết, mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán, GO! Cần Thơ đã dự trữ với trên 2.500 sản phẩm chủ lực. Kỳ vọng thị trường năm nay sôi động và tăng trưởng tốt, dự đoán tăng trưởng từ 30-40% so với năm ngoái, do vậy đơn vị đã lên kế hoạch nhập lượng hàng tăng tương ứng, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá ổn định. Bên cạnh đó, siêu thị xây dựng các phương án kinh doanh như đẩy mạnh bán hàng đa kênh (website, app, zalo, facebook, điện thoại), tuyển dụng thêm nguồn nhân lực, kéo dài thời gian bán hàng vào giai đoạn cao điểm mua sắm Tết… đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất.

Hệ thống siêu thị Co.opmart (thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op) triển khai sớm các chương trình khuyến mãi phục vụ Tết từ tháng 11 với hàng loạt đổi mới, gia tăng sự trải nghiệm cho người tiêu dùng. 

Để chuẩn bị cho dịp Tết 2023, MM Mega Market Việt Nam (MM) lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với Tết 2022 và tăng 40-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. MM dự đoán sức mua năm nay tăng từ 10-20% so với Tết năm 2022. Do đó, từ vài tháng trước, đơn vị đã liên tục làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định, mang đến cho khách hàng mức giá cạnh tranh nhất có thể.

Tại Hà Nội, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội của Nhân dân Thủ đô Tết Quý Mão 2023, thành phố Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022). Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% so với kế hoạch của thành phố, qua đó ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa thời điểm cuối năm.

Để giá hàng hóa không tăng cao trong dịp Tết Nguyễn đán Quý Mão các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai nhiều sự kiện kích cầu mua sắm cuối năm. Hơn nữa thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh để nắm nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu cho Hà Nội qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu