02:56 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bình Thuận: Tăng cường đầu tư về khoa học - công nghệ nhằm tăng trưởng kinh tế

15:22 31/01/2018

(THPL) - Trong những năm qua, khoa học - công nghệ đang từng bước thể hiện vai trò là động lực và nền tảng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước luôn luôn chú trọng đến phát triển khoa học và công nghệ, cụ thể là đã dành một lượng vốn lớn đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ. Thống kê cho thấy, đầu tư cho khoa học - công nghệ trong vài năm trở lại đây đã chiếm 2% tổng chi ngân sách, tức là khoảng 0,5% GDP của cả nước.

Nhờ nguồn lực đầu tư nói trên, tiềm lực khoa học - công nghệ đã được tăng cường, từ xây dựng hạ tầng cơ sở cho đến sửa chữa nhỏ, tăng cường máy móc thiết bị hiện đại. Công tác nghiên cứu khoa học đã được cải thiện một bước. Cán bộ khoa học và công nghệ đã được tham gia các khóa đào tạo, nâng cao trình độ trong và ngoài nước, từ đó, đã có được những đề tài khoa học và sản phẩm công nghệ có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phan-thiet
Một góc thành phố Phan Thiết ngày nay.

Vì lẻ đó, ứng dụng khoa học - công nghệ cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng luôn chú trọng đến việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học - công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi một trong bốn khâu đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. 

Theo PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore nhìn nhận, khoa học - công nghệ có đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và rất dễ để người dân cảm nhận được. Ví dụ, tại Singapore, đối với việc kiểm tra chất lượng nguồn nước chỉ cần các địa phương lắp đặt con chip từ đầu nguồn để đo được chỉ số ô nhiễm và báo về trung tâm. Như vậy, mỗi ngày các nhà quản lý đều sẽ biết được được khu vực nào bị ô nhiễm và có giải pháp phù hợp.

Qua đó, Bình Thuận là tỉnh đặt mục tiêu lên hàng đầu và phải phấn đấu đưa giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 30% GRDP vào năm 2020. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Giá trị giao dịch của thị trường khoa học - công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm. Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học - công nghệ đạt trên 2% GRDP vào năm 2020 và đảm bảo mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ không thấp hơn số của Trung ương giao về cho địa phương.

Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 11 - 12 người trên 1 vạn dân vào năm 2020. Số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ giai đoạn 2016 - 2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Thành lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ tại 50% doanh nghiệp có vốn nhà nước. Khuyến khích thành lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ tại các doanh nghiệp không có vốn nhà nước.

Đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức khoa học - công nghệ công lập đủ điều kiện sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động khoa học công nghệ đóng góp khoảng 30 - 35% tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

tinmoitruong(5)
Tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng vào đầu tư khoa học - công nghệ kể cả lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ về nông nghiệp với những kết quả nổi bật. Tỉnh triển khai khảo nghiệm và đưa giống, bộ gen cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi biến đổi khí hậu.

Cụ thể là: Lưu giữ bảo tồn gen và giống thanh long; khảo nghiệm nhiều giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt; triển khai nhiều mô hình ứng dụng tưới tiết kiệm nước phục vụ trồng trọt; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho các xã xây dựng nông thôn mới… Đến cuối năm 2014, Bình Thuận đã trồng được 1.162 ha giống lúa xác nhận, 1.100 ha sản xuất lúa chất lượng cao và 354 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 2528/KH-UBND ngày 5/7/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, việc làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động khoa học - công nghệ. 

Nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang mở ra nhiều cơ hội cho nền khoa học - công nghệ nước nhà tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những cơ hội và thách thức của hội nhập đòi hỏi cơ chế và phương thức quản lý Nhà nước phải có sự thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế.

Điều này tất yếu dẫn đến phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế tài chính cho khoa học - công nghệ, khắc phục những nhược điểm nói trên để giải phóng sức sáng tạo của giới khoa học - công nghệ cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của các tổ chức khoa học - công nghệ Việt Nam. Chỉ có như vậy mới có thể rút ngắn khoảng cách tụt hậu của khoa học - công nghệ Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 3/11/2016 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII) “Về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025”. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, thực hiện đầy đủ các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác khoa học - công nghệ. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu