20:15 ngày 18/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

BHXH nói gì về việc cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng?

21:05 31/10/2017

(THPL) – Theo BHXH Việt Nam, mức lương hưu thấp bởi phụ thuộc vào hai yếu tố là: Tiền lương tham gia BHXH; Thời gian tham gia đóng BHXH.

Theo báo VOV, chiều nay (31/10), tại buổi cung cấp thông tin báo chí, trả lời câu hỏi liên quan trường hợp cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm cống hiến, nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận: Với mức lương hưu 1,3 triệu đồng cho 37 năm cống hiến thì thực sự là con số thấp. Chính vì thế, câu chuyện không dừng lại ở địa phương mà đã lên đến nghị trường, các đại biểu quốc hội đã lên tiếng.

BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH Hà Tĩnh báo cáo về trường hợp này.

Lý giải lý do vì sao giáo viên mầm non mức lương hưu thấp, bà Đinh Thu Hiền – Phó trưởng ban thu, BHXH Việt Nam cho rằng, phụ thuộc vào hai yếu tố là: Tiền lương tham gia BHXH; Thời gian tham gia đóng BHXH.

truong-mam-non-6538-1509432960
Trường mầm non Lê Duẩn ở xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nơi cô giáo Trương Thị Lan từng công tác. Ảnh: Đức Hùng/Báo VnExpress

Theo Báo Hải quan, phân tích cụ thể hơn về trường hợp của cô Trương Thị Lan, bà Đinh Thu Hiền cho biết, mặc dù có 37 năm công tác, làm giáo viên mầm non, nhưng trên thực tế cô Lan mới chỉ có 22 năm 8 tháng tham gia đóng BHXH.

Cụ thể, từ tháng 1/1995 đến 12/2012 (17 năm, tổng cộng 216 tháng) bà Lan là giáo viên hợp đồng, truy đóng BHXH bắt buộc với diễn biến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất bằng mức lương tối thiểu từng thời kỳ, không thuộc thang bảng lương do Nhà nước quy định. Từ 1/2013 đến tháng 8/2017 (4 năm 8 tháng, tổng cộng 56 tháng) cô Lan được tuyển dụng biên chế, đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định với diễn biến cụ thể.

Do cô Lan có cả thời gian đóng BHXH không theo tiền lương do Nhà nước quy định lẫn thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nên việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH, trong đó:

- Thời gian từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012 tính theo mức điều chỉnh tiền lương quy định tại Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có tổng số tiền đóng BHXH sau khi điều chỉnh là 249.818.200 đồng.

- Thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2017 tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng có tổng số tiền đóng BHXH là 247.728.260 đồng.Từ đó mức lương bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cả quá trình 22 năm 8 tháng là 1.829.215 đồng. Đồng thời, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của cô Lan thấp là do 17 năm từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012, cô Lan luôn đóng BHXH trên nền tiền lương rất thấp. Thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định cao hơn một chút (dao động theo hệ số 3,06; 2,86; 3,26 và 3,46) chỉ trong 4 năm 8 tháng nên kết quả tổng tiền lương bình quân cả quá trình đóng BHXH thấp. 

Như vậy, mức lương hưu hàng tháng của cô Lan: 1.829.215 x 69% = 1.262.158 đồng được bù bằng mức lương cơ sở là: 1.300.000 đồng/ tháng. Căn cứ các quy định của Nhà nước thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với cô Trương Thị Lan là đúng quy định.

Bà Hiền cho biết thêm, trước tháng 1/1995 giáo viên mầm non không được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước nên xét tổng thể chung thời gian công tác là giáo viên mầm non trước tháng 1/1995 không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH.

Từ ngày 1/1/1995, theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, giáo viên mầm non không thuộc đối tượng tham gia đóng BHXH nên thời gian này cũng không được tính hưởng BHXH.

Đến ngày 19/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chủ trương khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có chính sách phát triển giáo dục mầm non và khi đó mới quy định giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng lương hưu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 với nội dung: Người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở giáo dục mầm non trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ 01/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH (mức đóng tính trên mức lương tối thiểu chung). Do đó, những trường hợp truy đóng BHXH thì thời gian đóng BHXH được tính từ tháng 1/1995.

Tiếp theo, để tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian công tác trước tháng 1/1995 mà khi nghỉ việc hết tuổi lao động nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH có thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho những giáo viên này (mức hỗ trợ cũng tính trên mức tiền lương tối thiểu chung).

Với diễn biến quy định của chính sách nêu trên, có thể thấy lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tình hình chung của nhiều địa phương mà nguyên nhân là do thời gian đóng BHXH ngắn (thường chỉ đóng BHXH từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm) nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%. Mức đóng BHXH chủ yếu chỉ tính trên mức tiền lương tối thiểu chung (sau gọi là lương cơ sở, hiện nay là 1.300.000 đồng/tháng) nên lương hưu thấp (khoảng 60% của lương cơ sở).

Đặc biệt không chỉ riêng trường hợp của cô Lan, theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện đang có 3.228 người hưởng mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng. Vì vậy, theo BHXH Việt Nam việc từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động không chỉ là đóng BHXH theo mức lương tối thiểu như hiện nay sẽ giúp người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị nghỉ nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn.

Theo báo VnExpress, trước đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) đã đăng trên mạng xã hội câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan về hưu sau 37 năm công tác nhận lương 1,3 triệu đồng.

Cô Lan cho biết, khi nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ nhân viên kế toán đã "ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt bèn ôm tôi khóc”.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường hợp cô Lan không cá biệt mà phổ biến do thang bảng lương của ngành thấp so với yêu cầu. Bộ đang làm việc với các Bộ Nội vụ, Tài chính để đưa thang bảng lương vào Luật Giáo dục. 

"Yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực. Trong sửa Luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ", Bộ trưởng Giáo dục nêu quan điểm.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu