15:15 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

'Bảo mẫu' Thiên Lý: Vấp ngã tuổi 19, trưởng thành tuổi 23

| 09:41 23/03/2017

Năm 2013, dư luận dậy sóng khi xem clip “bảo mẫu” Thiên Lý (19 tuổi) đánh liên tục vào lưng đứa trẻ. Bốn năm sau, trông Thiên Lý bây giờ mang vẻ hiền lành, điềm tĩnh, bàn tay thỉnh thoảng xoa quanh bụng bầu 5 tháng...

Chiếc áo thun xanh, mái tóc cột cao, một tay cầm chén cơm, tay kia đánh liên tục vào lưng đứa trẻ là hình ảnh của “bảo mẫu” Thiên Lý trong clip nhiều người đã theo dõi suốt mấy năm qua và giờ vẫn còn trên mạng.

Nguyễn Lê Thiên Lý: “Tôi mong mọi người lên án sai lầm của tôi chứ đừng chà đạp cuộc đời tôi” . Ảnh: Tự Trung.

Nguyễn Lê Thiên Lý nhắc lại cú vấp ngã ở tuổi 19 của mình vào cuối năm 2013 với nhiều bài học.

“Tôi đã rất hối hận”

* Nhắc lại câu chuyện ấy, Lý nhớ nhất điều gì?

- Mọi chuyện xảy ra như một cơn bão. Khi công an đến nhà, tôi bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Khi cánh cửa phòng giam đóng lại sau lưng tôi mới có cảm giác để bật khóc.

Lúc bị đẩy ra trước một rừng máy ảnh của các phóng viên, thậm chí có một chị xông tới bức xúc giơ tay đánh, tôi như bị tê liệt.

Lúc ra tòa lưu động ở nhà văn hóa, hàng ngàn người đến xem, tôi hoảng hốt đến không nhìn thấy cả cha mẹ mình, không nói được lời tự bào chữa, chỉ biết xin lỗi gia đình em bé...

Biết rằng vụ của mình được xử làm án điểm và áp lực dư luận rất lớn nên dù tự nhận thấy mức án bị tuyên là quá nặng so với hành vi, tôi đã không kháng cáo.

Khi trở lại xã hội, tôi lên mạng, xem lại cơn bão mạng mà mọi người đã dành cho mình, lại thấy hoảng sợ và rớt nước mắt khi đọc hàng ngàn lời nguyền rủa nhằm vào tôi. Tôi đã phải trả giá như vậy.

* Đến ngày hôm nay, bạn cảm thấy mình đã vượt qua được cú sốc đó chưa?

- Khi xảy ra chuyện, đối mặt với pháp luật và sự giận dữ của hầu như tất cả mọi người, quen và không quen, tôi đã rất hối hận.

20 tháng mất tự do, tôi đã học được cách suy nghĩ cho mỗi hành động của mình, cách kiềm chế cảm xúc để trưởng thành hơn.

Đến hôm nay, nói hoàn toàn thanh thản và quên đi thì không đúng, nhưng tôi tự nhận thấy mình đã chịu đựng được cú ngã ấy, bước ngoặt ấy.

* Bạn cho rằng đó là cái giá quá đắt?

- Tôi khi ấy 19 tuổi, mới vào làm được vài tháng, không đủ kinh nghiệm và kiên nhẫn để chịu đựng được áp lực của việc nấu ăn ngày ba bữa, dọn dẹp từ sáng tới tối, đút ăn cho hàng chục đứa trẻ.

Trẻ con lúc ngoan thì quá thương, lúc bướng, nghịch, không nghe lời thì quá bực mình. Áp lực đã khiến tôi không kiềm chế được, xử sự sai lầm, không đúng với bản chất con người mình, không đúng với tình thương mà tôi đã gắn bó với mấy đứa trẻ.

Khi bị bắt, được cho xem đoạn clip, tôi cũng không hiểu sao mình lại như vậy. Vì sự giận dữ của mình, tôi đã phải đối mặt với sự giận dữ của các phụ huynh, của mọi người và biết mình đáng bị trừng phạt.

20 tháng 
trả giá cho một hành vi sai

● 17-12-2013, Nguyễn Lê Thiên Lý bị bắt sau khi vụ “đày đọa trẻ mầm non” bị phát giác.

● 20-1-2014, phiên tòa lưu động của TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) tuyên phạt Thiên Lý 3 năm tù giam vì tội “hành hạ người khác”, mức cao nhất trong khung hình phạt.

● Sau 20 tháng thụ án, Thiên Lý được đặc xá trong dịp 2-9-2015.

Làm lại cuộc đời

* Với làn sóng chỉ trích từ mọi người, bạn nghĩ gì?

- Với sự cố của cuộc đời mình, tôi đã phải rất cố gắng để đứng vững, để có thể quay lại với thời gian sớm nhất. Quay lại và tôi lại tiếp tục cố gắng để sống giữa mọi người

Tôi không biết được người tôi gặp hôm nay có phải là người đã từng bức xúc buông lời nguyền rủa tôi ngày đó hay không.

Nếu có, tôi mong họ biết rằng tôi đã từng cam chịu để nhìn nhận lại con người tôi một cách khác.

Khi còn ở trại, có lần một người mới vào nói với tôi: “Hồi xử mày tao có đi coi nữa đó”, và chúng tôi thành bạn của nhau. Cuộc đời vẫn phải tiếp tục và tôi không thể để những tin vẫn đang được lưu trên mạng trở thành rào cản với mình.

Trong cơn bão ấy, tôi cũng đọc được nhiều ý kiến bày tỏ sự thông cảm, thấu hiểu với mình, và coi đó là những lời động viên tôi đứng lên, chào đón tôi trở lại.

* Khi đọc những lời chỉ trích nặng nề, bạn có cảm thấy giận không?

- Không, tôi đã phải trả giá cho cơn giận rồi. Tôi nghĩ họ xem cái clip đó và giận dữ, căm ghét tôi là đúng, nếu tôi là cha mẹ đứa trẻ, có khi tôi cũng thế.

Tôi tự an ủi rằng họ đều là những người biết cách yêu trẻ hơn mình. Tôi đã sai trong một ứng xử, hay có thể là một đoạn đời, nhưng không phải vì thế mà tôi sẽ là người xấu cả đời, hay phải lãnh hậu quả cho cả đời.

Tôi sắp làm mẹ, tôi sẽ phải là một người mẹ tốt. Nếu tôi có thêm được sự khoan dung rộng mở của mọi người, dù quen hay không quen, tôi sẽ còn phải cố gắng để tốt hơn. Điều đó đáng để bận tâm hơn.

* Điều gì đã động viên để bạn có được sự vững vàng như vậy?

- May mắn của tôi là trong cơn bão ấy, tôi đã không bị gia đình, người yêu, bạn bè bỏ rơi. Mọi người ở bên tôi, yêu thương, tin tưởng tôi, động viên tôi chịu đựng và cố gắng để tìm lại bản thân. Bản án pháp luật đã nặng, bản án của lương tâm và dư luận còn nặng hơn.

Tôi không hi vọng được quên, nhưng hi vọng được tha thứ, hi vọng những người đã từng biết câu chuyện của tôi nhận ra rằng bản chất của tôi không phải là cái nhãn “bảo mẫu ác” mà nhiều người đã dán cho. Tôi phải tìm lại được mình và làm lại cuộc đời mình.

"Có hai việc làm tôi thấy sợ: làm bảo mẫu và bình luận trên mạng..." - Ảnh: Tự Trung

“Google chưa nhận ra con người mới của tôi”

* Việc bị buộc phải tách khỏi xã hội và sống trong một môi trường hoàn toàn khác có khiến bạn thay đổi gì không?

- Tôi tự thấy mình thay đổi nhiều. Ba năm trước tôi là một con bé mới lớn, ương bướng, ngang ngang với người thân, ít nói và ít bày tỏ với người lạ. Tôi cũng ít biết lắng nghe những góp ý cho mình, ít biết quan sát để thông cảm với người khác.

Biến cố xảy ra khiến tất cả những gì quanh tôi đều đảo lộn. Trong môi trường mới, tôi học được nhiều điều: biết nhẫn nhịn, biết chia sẻ, biết rằng những người ở đó cũng có một cuộc sống bình thường, ứng xử tình nghĩa với nhau. Có người tốt với tôi khiến tôi không thể nghĩ rằng họ đã từng phạm tội...

Trở lại với đời, tôi không chỉ biết thêm cuốc đất, trồng rau, cạo mủ cao su mà còn biết chia sẻ tình cảm và suy nghĩ của mình hơn trước, biết lắng nghe, biết thông hiểu, biết tha thứ...

* Vậy là sau câu chuyện đó, những gì để lại trong bạn đều mang tính tích cực? Bạn còn có điều gì chưa nói ra?

- Tôi cố gắng để chỉ giữ lại những gì là tích cực. Có hai việc làm tôi thấy sợ: làm bảo mẫu và bình luận trên mạng.

Tôi sắp được làm bảo mẫu cho chính con mình và hi vọng sẽ có kinh nghiệm cho bé ăn hơn trước (cười). Viết bình luận trên mạng thì không biết bao giờ mới dám bày tỏ một ý kiến trở lại, dù tôi vẫn có trang cá nhân.

Mỗi lần lên mạng, đọc qua các diễn đàn, theo dõi một vài “cơn bão mạng”, tôi lại nhớ đến những lời bình phẩm đã được dành cho mình ngày đó. Chúng vẫn còn nguyên ở đó, trong khi tôi đã khác và những người viết ra có khi đã quên.

Tôi là một người đã từng bị quên, bị coi không phải là người nữa. Tôi đồng ý trò chuyện hôm nay là để muốn khẳng định rằng điều đó không đúng. Tôi là một con người. Tôi đã sai lầm. Tôi đã phải trả giá. Tôi đáng được tha thứ.

Xin hãy lên án hành vi tôi đã làm, sai lầm tôi đã phạm để những người khác không lặp lại. Xin đừng chà đạp con người tôi để tôi còn được tiếp tục làm một người tốt.

* Thời gian vừa qua không chỉ có gia đình chào đón bạn quay trở lại, mọi việc đến hôm nay đều đã tốt chứ?

- Vâng. Với tôi, hôm nay mọi việc đều đã bình thường. Chỉ có bộ nhớ Google là chưa nhận ra được con người mới của tôi thôi...

Chồng của Thiên Lý: Chúng tôi đều đã vượt qua thử thách

Tôi và Thiên Lý quen nhau, yêu nhau vài tháng trước khi xảy ra chuyện. Khi clip lan truyền trên mạng, tôi xem thấy rõ đó chính là người yêu mình, nhưng không giống hình ảnh người yêu mà tôi gặp hằng ngày.

Đọc những bình luận về “bảo mẫu ác” trên mạng, tôi càng thấy thương cô ấy hơn, nghĩ có lẽ vì áp lực công việc, tâm lý lớn quá trong khi tuổi của Lý còn quá nhỏ, vừa mới rời trường phổ thông.

Lý về nhà, vẫn là người yêu của tôi nhưng đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Một năm, mọi chuyện ổn định trở lại, tôi quyết định cưới.

Nhiều bạn bè tôi nói: “Điên sao mà cưới con nhỏ ác với cả trẻ con đó”, nhưng tôi tin rằng tôi mới là người hiểu cô ấy là người như thế nào… Cả hai chúng tôi đều đã vượt qua thử thách.

"May mắn của tôi là trong cơn bão ấy, tôi đã không bị gia đình, người yêu, bạn bè bỏ rơi" - Ảnh: Tự Trung

* TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM):

Để những đáng tiếc không xảy ra

Tôi có con, việc cho ăn đôi khi trở thành cả một thách thức khi con quấy khóc, nhõng nhẽo. Tuy đứng lớp dạy kỹ năng quản lý cảm xúc nhưng nhiều lúc tôi cũng phải tránh đi, giao con để người khác cho ăn, và đó cũng là một giải pháp.

Từ 0-6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ, hành vi của cha mẹ và các cô giáo mẫu giáo có ảnh hưởng lớn, nên theo tôi, để những sự việc đáng tiếc như câu chuyện của Thiên Lý không xảy ra nữa, cần có những điều kiện:

- Khách quan: trẻ và cô nuôi dạy trẻ cần được đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, môi trường làm việc, lương bổng, đào tạo. Điều kiện, môi trường giữ trẻ không tốt, không thể có kết quả tốt như xã hội kỳ vọng.

- Chủ quan: các cô giáo cần học - ý thức - tập luyện thường xuyên cách kiểm soát cảm xúc, nhất là cơn giận, của mình. Các cô cần hiểu rõ: nếu để cơn giận bùng phát, trước hết là hại cho mình, sau đó là hại cho trẻ, sau nữa là cho nghề. Với hàng chục đứa trẻ và hàng trăm việc không tên, cơn bực bội có thể ập đến bất cứ lúc nào. Xin đừng trút lên trẻ, hãy hít thở sâu để cơn giận tan đi, hãy uống một cốc nước để nó hòa vào đó, hay tránh đi, rửa mặt để ngăn mình lại...

- Khi trẻ không muốn ăn, hãy cho trẻ ăn vào lúc khác, đừng bắt ép. Các bà mẹ cũng vậy, đừng tạo áp lực ăn no, tăng cân lên trẻ cũng như cô giáo. Thức ăn được ăn vào trong áp lực, trong nước mắt sẽ thành thuốc độc gây bệnh cho trẻ.

* Thu Trang (một phụ huynh ở P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM):

Mong tình 
thương yêu

Khi đọc những tin tức về “bảo mẫu” hành hạ trẻ, tôi rất căm giận. Nhưng cũng có lúc tôi giận quá mất khôn đánh con mình, tôi giật mình nghĩ lại: Nếu có ai đó quay cảnh tôi đánh con rồi phát tán thì sao? Tôi có giống cô bảo mẫu hành hạ trẻ không?... Suy nghĩ đó làm tôi cố gắng không đánh con mình, dù không phải lúc nào cũng thành công.

Tôi hoàn toàn chia sẻ với nghề nghiệp khó khăn của các bảo mẫu, chỉ mong các cô đừng giận quá đến mức nguy hiểm với trẻ. Tình thương yêu, tôi mong là vậy, vẫn biết rất khó.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu