08:53 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bánh dày làng Gàu – Thấm đượm tinh hoa văn hóa vùng quê văn hiến

17:18 30/07/2021

(THPL) – Nhỏ bé thôi nhưng chiếc bánh dày làng Gàu trắng nõn, dẻo thơm nức tiếng, chứa đựng cả tinh hoa văn hóa truyền thống vùng quê văn hiến nói riêng và Việt Nam nói chung.

Không biết tự bao giờ, trong dân gian đã lưu truyền câu ca “Mâm cao cỗ đầy không bằng bánh dày làng Gàu”. Bánh dày vốn là món ăn truyền thống của người Việt, rất nhiều địa phương trên cả nước có đặc sản bánh dày, nổi tiếng như: bánh dày quán Gánh (Thường Tín, Hà Nội), bánh dày Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên), nhưng bánh dày làng Gàu (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên) đi vào nỗi nhớ bởi hương vị thơm dẻo đặc trưng.

Bánh dày làng Gàu - hòa quyện tinh hoa văn hóa vùng quê văn hiến 

Bà Lê Thị Phượng (làng Gàu) năm nay 76 tuổi, có thâm niên làm bánh dày hơn 60 năm. Hàng ngày, sau khi cùng con cháu làm xong mẻ bánh, bà lại mang ra chợ bán. Bánh dày của bà đắt hàng lắm, chỉ chừng 7 giờ sáng ra chợ đã hết veo.

Bánh dày của bà Lê Thị Phượng là món quà sáng gây "nghiện" đối với nhiều người. 

Bà Phượng tâm sự, nghề làm bánh dày ở Cửu Cao không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi bà lớn lên ghi vào lòng âm thanh chày giã bánh thình thịch, thình thịch. Độ Tết đến xuân về, nhà nào nhà nấy đều tất bật đồ xôi, đồ đậu, giã bánh..., với tất cả sự tỉ mỉ, trân trọng, sao cho những tấm bánh dày dẻo thơm nhất để dâng lên ban thờ tổ tiên, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc với trời đất và các bậc tiền nhân.

Gạo nếp cái hoa vàng chọn lọc hạt to, bóng mẩy, trắng ngần, đều tăm tắp sẽ được vo sạch, ngâm kỹ rồi đồ thành xôi. Mẻ xôi thơm lừng ấm nóng sau đó đưa vào cối đá to giã nhuyễn. Giã bánh cũng cầu kỳ lắm. Nhất định phải là một đôi nam nữ dùng chày gỗ cùng nhau giã để âm dương giao hòa, nhịp chày buông phải vừa lực, không quá mạnh cũng không được yếu mềm, có như vậy bánh mới vừa trắng ngần lại mềm dẻo mà không nát.

Ngày nay có máy giã công nghiệp thay thế nên đỡ vất vả hơn nhiều, chất lượng sản phẩm đồng đều.

Xôi thổi bằng nếp cái hoa vàng chọn lọc sẽ được đem giã nhuyễn, tạo nên lớp vỏ trắng nõn, dẻo dai

Đỗ xanh cũng là loại 1, xay vỡ đôi, không lẫn tạp chất. Đỗ ngâm mềm, đãi thật sạch không còn lẫn chút vỏ xanh mới đạt yêu cầu. Sau khi để ráo nước, người ta sẽ mang đi đồ nhừ tơi. Cũng như gạo nếp, đỗ phải được giã thật nhuyễn sánh, không chút lợn cợn hạt.

Đường kính ngọt ngào, dừa nạo sợi béo bùi sẽ được trộn kỹ cùng đỗ xanh để làm nhân bánh. Với bánh dày nhân mặn, người làm sẽ xào đậu xanh cùng thịt mỡ béo ngậy, hạt tiêu già cay nồng. Nhân bánh đạt yêu cầu phải vừa dẻo mịn nhưng khô ráo, không nát, đưa vào miệng nổi vị thơm mát.

Vỏ trắng ngần, nhân vàng ươm đã sẵn sàng, thoăn thoắt đôi tay, người thợ nặn ra những chiếc bánh tròn xinh, đều tăm tắp mà chẳng cần cân đong gì.   

Ngoài bánh dày hình tròn, người làng Gàu còn nặn bánh hình trụ dài cả mét, sau đó cắt ra từng chiếc nhỏ.

Bánh hình trụ dài khác biệt của làng Gàu

Chiếc bánh trắng nõn nà được bao bọc bởi lớp “áo” bằng đỗ xanh bột nhuyễn vàng óng giúp bánh không dính vào nhau khi xếp chồng, nổi bật trong chiếc thúng lót lớp lá chuối xanh mướt, đẹp giản dị một cách hoàn hảo.

Đặc sản bánh dày làng Gàu vốn không thể thiếu trong mâm cỗ những dịp trọng đại của người Hưng Yên, giờ đây đã tỏa đi nhiều nơi trên cả nước, gây “nghiện” cho bao thực khách.

Chiếc bánh nhỏ bé tạo nên từ sự tỉ mỉ, khéo léo của người làng Gàu đã nuôi lớn bao người con vùng quê văn hiến, giúp cuộc sống bao gia đình trở nên khá giả, sung túc.

Chiếc bánh dày hòa quyện hương vị của đất trời và tấm lòng trân trọng, biết ơn, từ những điều nhỏ bé, giản dị nhất để làm nên cuộc sống tươi đẹp. Món đặc sản quê hương này của Hưng Yên sẽ được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ dân làng Gàu nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu