11:09 ngày 20/02/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Kỳ vọng bứt phá của ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô

17:35 30/01/2025

(THPL) -Những năm qua, đặc biệt là năm 2024, Thủ đô đã tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy gia tăng giá trị cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN). Nổi bật là các hoạt động hợp tác, giao thương quốc tế, thúc đẩy đổi mới, thiết kế sáng tạo, đưa ngành hội nhập sâu rộng với thị trường thủ công mỹ nghệ thế giới.

 

Nỗ lực đưa ngành thủ công mỹ nghệ hội nhập quốc tế

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hòa trong dòng người, xe nhộn nhịp, hối hả vào ra, chúng tôi đến thăm làng gốm cổ Bát Tràng, một trong những làng nghề lâu đời nổi tiếng của Hà Nội.

Vụ Tết năm nay, các lò gốm đều “đỏ lửa” để kịp phục vụ nhiều đơn hàng gần xa. Trong cái bận rộn, tấp nập ấy, các nghệ nhân, thợ thủ công làng gốm cổ còn phấn khởi khi vừa đón nhận tin vui: cùng với làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng chính thức được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu.

Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh hào hứng chia sẻ: Sự kiện làng gốm Bát Tràng chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu là cơ hội để những nghệ nhân làng gốm được tiếp cận với tinh hoa của thế giới cũng như được thỏa sức sáng tạo. Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi mang gốm Bát Tràng giới thiệu với bạn bè quốc tế và để bạn bè thế giới biết đến một làng gốm vẫn đậm nét thủ công...

Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh (trái) hướng dẫn du khách quốc tế trải nghiệm kỹ thuật vuốt gốm

Gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc gia nhập mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn thế giới là một trong những kết quả ấn tượng từ sự “bắt tay” hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Hội đồng Thủ công Thế giới (WCC) trong năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, chương trình hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới là một trong những nỗ lực của Hà Nội nhằm góp phần đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, tiêu biểu trong đó là làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc. Đồng thời khẳng định vị thế của làng nghề Thủ đô cũng như Việt Nam trong bức tranh thủ công toàn cầu, đưa ngành thủ công mỹ nghệ tiếp tục phát triển, hội nhập và cùng thúc đẩy sự thịnh vượng chung của ngành trên thế giới.

Hội đồng thủ công thế giới thăm, khảo sát tại làng gốm cổ Bát Tràng (Ảnh: Viện KTVHNT)

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh thế giới, các mặt hàng TCMN đối diện với những cạnh tranh ngày càng cao, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng, thẩm mỹ, an toàn và thân thiện môi trường… Để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm TCMN trên thị trường thế giới, Hà Nội tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN, Hội thi sản phẩm làng nghề. Qua đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy sức sáng tạo và kỹ năng, tài hoa của nghệ nhân, thợ thủ công, tạo ra các sản phẩm TCMN có mẫu mã mới, đẹp, ấn tượng, độc đáo, phù hợp với văn hóa và thị hiếu của các nước trên thế giới.

Trong năm 2024, cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN do Sở Công Thương Hà Nội duy trì tổ chức đã thu hút 183 tổ chức, cá nhân với 423 sản phẩm mẫu mới tham gia dự thi. Trong đó, 90 sản phẩm và bộ sản phẩm có thiết kế sáng tạo, ấn tượng, bắt nhịp xu thế thị trường quốc tế đã đạt giải, được UBND Thành phố công nhận.

Cuộc thi Thiết kế mẫu TCMN  Hà Nội là “cơ hội vàng” cho nghệ nhân ngày càng thăng hoa sáng tạo, bắt kịp đà hội nhập với thế giới

Đánh giá về cuộc thi, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho biết: “Hà Nội luôn dành nhiều quan tâm, đầu tư để phát triển làng nghề. Tiêu biểu trong đó là việc tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN. Cuộc thi được phát động, tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, chất lượng. Hội đồng giám khảo đều là những nhà khoa học, PGS.TS, chuyên gia đầu ngành. Các nghệ nhân tích cực, hào hứng tham gia, mang đến cuộc thi những dòng sản phẩm có chất liệu, thiết kế rất mới, thời trang hơn, mỹ nghệ hơn. Và đây chính là một trong những hoạt động quan trọng để thúc đẩy cho làng nghề phát triển, thông qua thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ nhân. Cuộc thi chính là “cơ hội vàng” cho nghệ nhân ngày càng thăng hoa sáng tạo, đưa sản phẩm TCMN hội nhập với thế giới”.

Góp phần thúc đẩy sáng tạo thêm nhiều sản phẩm TCMN đáp ứng thị trường quốc tế, Thành phố cũng tiếp tục thành lập các Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã, giúp bảo tồn và khôi phục, phát triển văn hóa thiết kế sáng tạo cho các sơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch.

Cũng trong năm 2024, Hà Nội đã hỗ trợ hàng chục cơ sở sản xuất làng nghề đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng qui chuẩn quốc tế.

Để ngành thủ công mỹ nghệ nâng cao vị thế trên trường quốc tế, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, làm cầu nối để các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đưa sản phẩm vươn xa hơn.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, như Hội chợ quốc tế quà tặng hàng TCMN - Hanoi Gift Show, Hội chợ Hàng lưu niệm Thủ đô - Hanoi Great Souvernirs. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tích cực tổ chức mời, lựa chọn nhiều lượt doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tiêu biểu tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm chuyên ngành về TCMN, quà tặng và đồ trang trí gia đình ở trong nước cũng như quốc tế. Góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề của Thủ đô quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hanoi Gift Show 2024 tạo cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo Bà Lê Ngọc Minh – Phó giám đốc Công ty gốm sứ Quang Vinh: “Với sự đồng hành của Sở Công Thương Hà Nội trong tổ chức Hội chợ quốc tế ngay tại Thủ đô như Hanoi Gift Show hoặc hỗ trợ tham gia Hội chợ quốc tế Lifestyle Vietnam tại TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp chúng tôi đã có thêm nhiều khách hàng mới, có những khách rất lớn ở Châu Âu, Úc và Mỹ. Đây là những hoạt động rất thiết thực thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chinh phục thị trường quốc tế”.

Kỳ vọng vào sự bứt phá của ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường quốc tế, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, bên cạnh nhóm giải pháp về kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế, quy hoạch tổng thể phát triển ngành, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất sản phẩm TCMN, xúc tiến thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, các hoạt động hợp tác, trao đổi quốc tế sẽ được tăng cường.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, trong năm 2025, Hà Nội sẽ cử đoàn tham gia Lễ hội Làng nghề Quốc tế tại Uzibekistan để kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề Thủ đô. Thành phố cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới tổ chức Festival làng nghề quốc tế vào năm 2025, tổ chức lễ hội truyền thống tại làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc gắn với hoạt động kết nối giao thương. Cùng với đó, tranh thủ kinh nghiệm của Hội đồng thủ công thế giới để xây dựng, phát triển Trung tâm thiết kế, đổi mới sáng tạo làng nghề của thành phố và của các địa phương.

TP Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Thủ công thế giới nhằm phát triển bền vững ngành TCMN (Ảnh: KTĐT)

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Trong năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới khảo sát, kết nạp thêm từ 2 đến 3 làng nghề nữa trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu”.

Trong bối cảnh hội nhập và sáng tạo hiện nay, Hà Nội sẽ tiếp tục ban hành, triển khai hiệu quả các chính sách về thu hút đầu tư, trọng dụng nhân tài, kết nối và mở rộng thị trường, tạo ra sự thịnh vượng bền vững cho các làng nghề và người làm nghề.

Với những nỗ lực trong tăng cường hợp tác, giao thương quốc tế, thúc đẩy đổi mới, thiết kế sáng tạo, kỳ vọng trong năm mới 2025 và những năm tiếp theo, ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô sẽ có những bứt phá mạnh mẽ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần đưa thủ công mỹ nghệ Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới.

Hoàng Yến (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu