Thúc đẩy làng nghề ở Hà Nội sản xuất sạch hơn từ chương trình khuyến công
(THPL) - Các làng nghề ở Hà Nội đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy các làng nghề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sản xuất bền vững, cùng với các sở, ngành, đơn vị chuyên môn, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tại làng nghề.
Chuyển đổi "xanh" từ làng nghề
Làng gốm sứ Kim Lan (xã Kim Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội) quy tụ hàng trăm cơ sở sản xuất gốm sứ truyền thống. Những năm trước, do đặc thù của nghề sản xuất gốm sứ phải sử dụng lò nung thủ công khiến tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường nước, đất, ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn rất nan giải, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như diện mạo làng nghề.
Để thúc đẩy làng gốm sản xuất sạch hơn, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai chương trình xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành gốm sứ tại Kim Lan.
Tham gia chương trình, các cơ sở được thụ hưởng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, thường xuyên được phổ biến, cập nhật các tiêu chuẩn sản xuất xanh và bền vững, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đại diện cơ sở sản xuất gốm sứ Tuyết Công (làng Kim Lan) cho biết: Hướng tới sản xuất, tiêu dùng bền vững, các cơ sở trong làng đều đã chuyển đổi từ lò than sang lò gas để nung gốm. Tuy đầu tư lò gas tốn nhiều chi phí nhưng bù lại đã giúp giảm lượng khí thải CO2, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, không còn xỉ than thải ra môi trường. Bên cạnh đó, việc chuyển sang lò gas còn giúp tăng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với sử dụng lò than truyền thống, mang lại hiệu quả cao.
Cũng theo đại diện cơ sở Tuyết Công, trong quá trình đóng gói sản phẩm, các cơ sở sản xuất đã lựa chọn thùng bìa carton thân thiện môi trường để đóng gói, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần…
Thành quả của việc áp dụng sản xuất thân thiện với môi trường cũng đã được ghi nhận tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Theo thống kê, trước đây, khi sử dụng công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại như: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn...
Với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng giải pháp kỹ thuật trong sản xuất của Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân tại làng gốm Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hóa lỏng.

Hiện, Bát Tràng đã có gần 1.000 hộ (chiếm hơn 90% các hộ sản xuất tại làng nghề) sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, giúp làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường. Công nghệ lò gas cải tiến không chỉ đảm bảo môi trường làng nghề xanh hơn mà còn giúp các cơ sở, doanh nghiệp giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo đại diện Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, làng gốm Bát Tràng: Công nghệ hiện đại không chỉ giúp khắc chế ô nhiễm môi trường mà còn giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm trên 30%, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, cơ hội mở rộng thị trường cũng cao hơn. Nhất là trong xu thế tiêu dùng hiện nay khi các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được thị trường ưu tiên lựa chọn.
Hỗ trợ làng nghề từ chương trình khuyến công
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội, với sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, các bộ, ngành, đơn vị, nhiều làng nghề trên địa bàn, nhất là các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị hiện đại để sản xuất sạch hơn, bền vững hơn. Giai đoạn từ năm 2021 – 2024, riêng Trung tâm Khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hỗ trợ 36 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, tổng kinh phí 10,8 tỷ đồng. Trung tâm cũng hỗ trợ 21 cơ sở công nghiệp nông thôn hoàn chỉnh tài liệu quy trình công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ trình diễn kỹ thuật (áp dụng các bước theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018). Hỗ trợ đánh giá, tư vấn các giải pháp quản lý, kiểm soát, đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn cho 120 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tổng kinh phí trên 6,2 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 8 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ, doanh nghiệp với tổng kinh phí 960 triệu đồng.
Nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi "xanh" cho người dân và các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tổ chức xây dựng nhiều chuỗi kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các ngành sản xuất sản phẩm tại các làng nghề, như: ngành sơn mài, ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành chế biến nông sản...
Tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại để sản xuất sạch hơn đã ngày càng nhận được sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp, hộ dân tại các làng nghề.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thủy, giám đốc HTX mây tre đan xuất khẩu Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), trước đây, khi chưa áp dụng biện pháp sản xuất sạch hơn, HTX bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Hoá chất cũng tổn hao nhiều do sử dụng hệ thống xử lý cũ làm bằng xi măng không có gia nhiệt. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, áp dụng sản xuất sạch hơn, HTX và một số doanh nghiệp ở làng nghề đã khắc phục hiệu quả tình trạng trên. Do lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh, nên HTX không mất nhiều chi phí cho nguyên liệu.
“Điều tích cực nữa là áp dụng sản xuất sạch hơn giúp giảm phát thải ra môi trường. Chúng tôi rất phấn khởi vì vừa đảm bảo được hiệu quả kinh tế, mà môi trường làng nghề trong lành hơn”, bà Thủy cho biết thêm.

Để các chương trình, đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ xanh, sạch vào sản xuất phát huy hiệu quả, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã tiến hành khảo sát, chọn lựa kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng, những đề án mang tính khả thi. Trong đó, ưu tiên các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn về sản xuất sạch hơn, tiêu dùng bền vững, giới thiệu, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp thông qua kiểm toán năng lượng tại các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật giúp các cơ sở xây dựng và thực hiện các giải pháp sản xuất xanh, sạch, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, đồng thời, tăng hiệu quả kinh tế. Và sản xuất sạch hơn được xem là hướng đi, xu hướng tất yếu để hạn chế lãng phí nguyên, nhiên liệu, góp phần giảm thiểu, kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh.
Hà Nội đạt mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề trên địa bàn Thành phố được công nhận, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.
Ðể đạt được mục tiêu này, cùng với các sở, ban, ngành, các quận, huyện, đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, chương trình, đề án nhằm hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường...
Qua đó tiếp tục tạo "đòn bẩy" để các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố nói chung và khu vực công nghiệp nông thôn nói riêng.
Hoàng Yến
Tin khác
Những dấu ấn “đầu tiên”, “nhất” và “cuối cùng” của Vinhomes Wonder City
Tập đoàn Thụy Điển dự kiến đầu tư 1 tỷ USD xây tổ hợp tái chế vải công nghệ cao tại Việt Nam
Thanh Hóa sắp có hơn 700 căn hộ nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành
Giá vàng và ngoại tệ ngày 24/4: Vàng SJC tiếp tục tăng
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ANTT dịp Lễ 30/4 - 1/5
Bộ Y tế đề nghị thu hồi toàn quốc 12 loại sữa bột giả
Dự báo thời tiết ngày 24/4: Bắc Bộ mưa dông về chiều tối, Trung Bộ nắng gay gắt
(THPL) - Hôm nay 24/4, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông. Trong khi đó, khu vực Trung Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng...24/04/2025 07:13:55Tạm dừng chuyên chở xe ô tô qua phà Đồng Bài, Hải Phòng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
(THPL) - Hải Phòng thông báo tạm dừng xe ô tô qua bến phà Đồng Bài sang đảo Cát Bà từ 26/4 đến 4/5 và các ngày nghỉ cuối tuần từ 10/5 - 30/7...24/04/2025 07:21:32Hải Phòng tổ chức hội thảo về phát triển du lịch đường thủy
(THPL) - Ngày 22/4, tại khách sạn Pullman Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch đường...24/04/2025 09:44:09Chương trình khai mạc du lịch hè Cô Tô năm 2025 sẽ diễn ra ngày 26/4
(THPL) - Theo kế hoạch, chương trình Khai mạc du lịch hè năm 2025 với chủ đề “Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời” sẽ diễn ra vào 20h ngày...24/04/2025 07:18:28