01:37 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bài 1: "Phù phép" cho nông dân thành giám đốc, Techcombank cho vay 300 triệu sau 5 năm ôm nợ 5 tỷ

| 13:51 22/10/2018

Cho vay hơn 2 tỷ đồng với tài sản thế chấp là mảnh đất gần 900m2 dù chủ tài sản không hề có mặt tại ngân hàng, Techcombank có quá dễ dàng trong công tác cho vay?

Tìm về làng La Khê ở quận Hà Đông (TP. Hà Nội) không mấy ai không biết đến anh Thắng con bà Nguyễn Thị Tố (tổ dân phố số 4) bởi câu chuyện vì cần 300 triệu đồng mà mang sổ đỏ 898m2 đất ở đi thế chấp tại ngân hàng Techcombank, để rồi 5 năm sau ôm nợ gần 5 tỷ đồng…

“Gia đình ai oán” vì không thể chia đất

Tôi về nhà bà Tố vào một ngày các con bà tập trung đông đủ, nhưng trái với sự vui vẻ như mọi bữa gia đình hội tụ, không khí ở nhà bà Tố hôm ấy nặng nề, đầy những ánh mắt hằn học chất chứa mà các con bà dành cho nhau.

Bà Tố bảo với tôi rằng: “Tôi giờ sống dở chết dở cô à!”

Bà lão mái đầu bạc trắng, gương mặt đầy những nếp nhăn kể lại: “Thắng là con út của tôi, đầu năm 2014 nó muốn sửa nhà nên mượn sổ đỏ mảnh đất 898m2 đứng tên tôi là Nguyễn Thị Tố để mang “cắm” ngân hàng Techcombank, vay về 300 triệu đồng. Biết đây là đất chung, 5 anh em chúng nó đều đã xây nhà trên mảnh đất ấy, nhưng vì nghĩ số tiền vay ít, có 300 triệu đồng thôi nên tôi đưa sổ đỏ cho Thắng đi làm hồ sơ mà không xin ý kiến của các con. Nhưng nào ngờ, con tôi bị kẻ xấu lợi dụng nên đã đưa sổ đỏ gốc cho người ta đi "cắm" ở ngân hàng Techcombank."

"Không hiểu sao, dù không có mặt tôi - người đứng tên trong sổ đỏ, là chủ sở hữu mảnh đất - mà quyển sổ đỏ ấy được mang đến ngân hàng Techcombank thế chấp vay tới hơn 2 tỷ đồng hả cô”, bà Tố hỏi tôi. Câu hỏi mà có lẽ hơn 4 năm qua, mỗi đêm trước khi ngủ bà đều tự hỏi mình, hỏi... ông trời. 

(Ảnh: Đỗ Linh/Đồ họa: Hoàng Linh)

Dưới khóe mắt nhăn nhúm, nước mắt bà Tố tuôn trào, giọng nghẹn lại: “Từ hồi đó đến giờ, cứ mấy tháng lại có giấy thông báo thu hồi tài sản đảm bảo của Ngân hàng Techcombank đưa đến với số tiền lãi ngày một chồng cao. Theo giấy tờ của ngân hàng Techcombank thì tính đến ngày 21/6/2018, nợ đã quá hạn 1.414 ngày với số tiền: Nợ gốc: 2,689,717,583 đồng; Nợ lãi: 1,709,125,848 đồng; Phí: 3,960,000 đồng; Tổng nợ: 4,402,803,431 đồng. 

Gia đình tôi không có nhu cầu vay số tiền nhiều như vậy bởi các con tôi đều có nhà cửa đàng hoàng và công ăn việc làm ổn định. Hơn nữa, con tôi chỉ vay 300 triệu đồng chứ gia đình tôi có ăn tiêu của Ngân hàng Techcombank tiền tỷ đâu mà sao ngân hàng lại đòi “phong tỏa" toàn bộ 898m2 đất ở của gia đình tôi. Với lại, trong hồ sơ vay vốn không có chi tiết nào chứng minh tôi đến ngân hàng Techcombank để xác nhận "đúng người, đúng của” mà ngân hàng vẫn cho người ta vay tiền.

Tôi giờ chẳng sống được là bao nhưng đây là đất tổ tiên để lại, nhìn con cháu ai oán nhau mà tôi đau lòng quá! Đất thì các con xây nhà riêng hết cả rồi nhưng sổ đỏ chưa tách, vẫn là quyển sổ đó ấy, bây giờ cả mấy gia đình ở đó mà không biết bao giờ mất nhà, mất cửa". 

(Đồ họa: Hoàng Linh)

Techcombank chơi bài “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”?

Mang sổ đỏ mảnh đất gần 900m2 đi vay ngân hàng với mong muốn có được 300 triệu đồng để xây sửa nhà, nhưng phải đến 7 ngày sau, anh Lê Xuân Thắng - con trai bà Tố - mới biết tài sản đứng tên mẹ mình đã bị "cắm" trong ngân hàng, "đính kèm" với khoản vay lên tới 2,690,000,000 đồng (hai tỷ sáu trăm chín mươi triệu đồng), với mục đích vay... mua gạo. 

Anh Thắng kể: “Khi biết tôi muốn vay 300 triệu đồng để sửa nhà, hàng xóm nhà tôi là ông Ứng Quang Huynh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giới thiệu cho chị Lê Thị Lệ (trú tại phường Dương Nội, Hà Đông). Là cán bộ ngân hàng, chị Lệ khuyên tôi nên vay vốn qua Công ty Đầu tư TNHH và XNK Phúc Khang.

Tin tưởng chị Lệ là cán bộ ngân hàng giới thiệu nên tháng 3/2014 tôi đến gặp ông Phạm Anh Tiến là Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư và XNK Phúc Khang có trụ sở tại tổ dân phố Hoàng Hanh (Dương Nội, Hà Đông). Với tư cách cá nhân, ông Tiến hứa giúp tôi vay 300 triệu đồng của Ngân hàng Techcombank chi nhánh Hà Tây, phòng Giao dịch Văn Quán.

Sau đó, tôi được ứng trước 300 triệu đồng, vay trong thời hạn 3 năm, lãi suất 0,87%/tháng, theo giấy biên nhận ký ngày 4/4/2014 với sự chứng kiến của chị Lê Thị Lệ. Nhưng thực tế, đầu tiên, tôi chỉ nhận được 50 triệu đồng do chị Lệ mang đến tận nhà. Sau đó, chị ta dẫn tôi ra ngân hàng Techcombank mở thẻ ngân hàng và hứa sẽ chuyển nốt 250 triệu đồng sau". 

"Sau đó, tại trụ sở Công ty Phúc Khang, ông Phạm Anh Tiến đã làm quyết định bổ nhiệm tôi làm Phó Giám đốc thị trường để bảo lãnh cho mẹ tôi vay vốn tại ngân hàng Techcombank. Ông Tiến đã ký một bản cam kết với tôi, trong đó viết: Việc gia đình đưa tài sản vào thế chấp với ngân hàng cùng Công ty tôi (Công ty TNHH & XNK Phúc Khang - PV) là hình thức bảo lãnh cho hoạt động kinh doanh của công ty và công ty tôi chỉ giải ngân duy nhất bằng và đã chuyển đầy đủ cho gia đình số tiền là: 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng), ngoài ra không phát sinh giao dịch nào khác”, anh Thắng kể tiếp. 

Cũng theo lời anh Thắng, trước đó, vào ngày 1/4/2014, Lệ và ông Tiến dẫn một người tên Thủy, tự giới thiệu là nhân viên phòng makerting của ngân hàng Techcombank đến làm hồ sơ vay và hẹn anh Thắng đưa bà Tố ra Phòng Công chứng Đông Đô ở 101 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân (Hà Nội). Tại đây, anh Thắng, bà Tố và Lệ ngồi chờ ở quán nước ven đường, đến 11h thì ông Tiến và Thủy gọi mẹ con anh vào để làm thủ tục “khép kín”.

(Ảnh: Đỗ Linh/Đồ họa: Hoàng Linh)

Ngồi cạnh con trai, bà Tố thêm lời: "Lúc đó, Thủy đưa cho Lệ một tập giấy dày và bảo tôi ký vào từng tờ mà không cần đọc vì đây chỉ là thủ tục, chỉ cần ký đầy đủ là xong. Sau đó, những người này cầm hết giấy tờ và sổ đỏ gốc của gia đình tôi rồi hẹn 6 ngày sau sẽ trả. 

Nhưng đến ngày hẹn vẫn chưa thấy giấy tờ gốc đâu nên chúng tôi đã gọi điện đòi và được ông Tiến mang hồ sơ vào tận nhà trả thì phát hiện số tiền vay là 2,689,717,583 đồng còn sổ đỏ thì đã "cắm" ở ngân hàng Techcombank". 

Anh Thắng nói tiếp: "Ngay hôm sau, ngày 8/4/2014, cả gia đình tôi kéo nhau ra thẳng chi nhánh của ngân hàng Techcombank và lập biên bản gia đình không nhất trí với phương thức vay trong hồ sơ. Đồng thời triệu tập ông Phạm Anh Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và XNK Phúc Khang (Công ty XNK Phúc Khang). Trước sự chứng kiến của ông Phạm Hồng Thành, Giám đốc phòng giao dịch Techcombank Văn Quán, ông Tiến ký cam kết sau một tháng tính từ ngày 14/4/2014, phải trả lại tài sản đảm bảo cho gia đình tôi. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, chúng tôi đến trụ sở Công ty Phúc Khang thì mọi thứ đã mất hết dấu vết. 

Trong khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ đã khẳng định việc trả nợ thuộc về Công ty XNK Phúc Khang đã được ký kết ở Hợp đồng hạn mức tín dụng số 28039752/2014/HTY ký ngày 1/4/2014 giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam -  chi nhánh Hà Tây và Công ty TNHH Đầu tư XNK Phúc Khang. Nhưng từ ngày 8/4/2014 đến nay, Ngân hàng Techcombank không giải quyết được với Công ty Phúc Khang, sổ đỏ của gia đình tôi thì Ngân hàng Techcombank vẫn nắm giữ và đều đặn gửi thông báo phong tỏa tài sản đảm bảo về nhà tôi". 

(Ảnh: Đỗ Linh/Đồ họa: Hoàng Linh)

Gần 5 năm trôi qua, ngoài nỗi lo lãi mẹ đẻ lãi con trong khi không biết tìm ông Phạm Anh Tiến ở đâu mà đòi, mẹ con bà Tố lại phải canh cánh nỗi lo mất đất, mất nhà thì bàn thờ gia tiên cùng đàn con cháu mấy chục đầu người biết trú ngụ ở đâu? Bà biết kêu ai khi con bà bị kẻ xấu lợi dụng và sự “thờ ơ” của chính Ngân hàng Techcombank? 

Thiết nghĩ, ngân hàng Techcombank đứng ở cương vị là một đơn vị chủ trì "cuộc chơi" này thì tiếng nói chắc chắn sẽ có trọng lượng hơn. Đặt giả thiết nếu Techcombank lên tiếng, biết đâu mọi việc sẽ sớm rõ ràng?

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu