22:23 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Áp thấp nhiệt đới đổ bộ Kiên Giang - Cà Mau, bão số 12 vào biển Đông

06:29 02/11/2017

(THPL) - Trong hôm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 12, trong khi áp thấp nhiệt đới gần bờ sẽ đổ bộ vào khu vực Cà Mau - Kiên Giang với cấp 6-7, giật cấp 8. Đây là khu vực rất ít khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nên phải đặc biệt lưu ý.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong chiều nay (2/11), áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào các tỉnh Kiên Giang - Cà Mau với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động.

Ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.

tautrubao_UUDI (1)
Tàu thuyền vào cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) tránh trú áp thấp nhiệt đới. Ảnh: LÊ KHOA/Báo SSGP

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp, trong suốt hơn 1 ngày qua khu vực từ Huế vào đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi vượt trên 200mm như Vân Canh, Bình Định gần 350mm, Sông Hinh, Phú Yên gần 300mm, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế trên 200mm.

Mưa lớn khiến nước sông tại Nam Trung Bộ lên nhanh. Tại Khánh Hòa, nước sông Ngâm dâng cao đã gây ngập sâu 2 bên bờ sông, có nơi lên tới 1m.

Tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên, mưa lớn kết hợp với xả lũ đã khiến ít nhất 5 xã bị chia cắt, chính quyền phải di dời hơn 450 hộ dân.

Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông ở Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn, sông Ba tiếp tục lên, dao động quanh BĐ1-BĐ2, riêng sông Kỳ Lộ tại Phú Yên vẫn trên BĐ3.

Các tỉnh từ Quảng Nam - Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Lũ trên sông Ba (Phú Yên), sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) đang lên; các sông khác từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên, sông Dinh (Khánh Hòa) và các sông thuộc khu vực bắc Tây Nguyên đang xuống. 

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở các huyện: Quảng Nam: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành và Phú Ninh;  Bình Định: An Lão, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh, Hoài Ân, Vân Canh, An Nhơn;  Phú Yên: Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa và Đông Hòa;  Gia Lai: K'Bang, Đắk Đoa, Chư Păh, Mang Yang, Krông Chro, Chư Sê, Đak Pơ, Ia Pa, Chư Pưh, Krông Pa và Phú Thiện. 

Cùng thời gian này, trên biển Đông đang xuất hiện một áp thấp nhiệt đới mới, dự báo trong hôm nay sẽ mạnh lên thành bão số 12.

imageresize
Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới mới. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương

Hồi 04 giờ ngày 2/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 04 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực Giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 112,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, từ đêm nay, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động.

Theo báo VietNamNet, đúng 20 năm sau bão Linda đổ bộ khiến hơn 3.000 người chết và mất tích, tại vùng biển phía Nam lại xuất hiện một cơn bão mới. 20 năm qua, khu vực này chỉ chịu tác động của 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.

Theo báo VOV, ngày 1/11, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã có công văn số 639/DBTƯ gửi Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 nhận định về nguy cơ bão kết hợp không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ.

Tại Công văn gửi ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, TS Hoàng Đức Cường, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ vào khoảng 3-4/11/2017. Đồng thời, một đợt không khí lạnh sẽ tăng cường xuống phía Nam.

Do ảnh hưởng kết hợp của hai loại hình thời tiết rất nguy hiểm này nên từ khoảng 3/11 ở các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài trong nhiều ngày. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt diện rộng ở vùng trũng, đô thị thuộc các tỉnh nói trên rất cao.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo và đề nghị Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 sớm chỉ đạo, rà soát các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, ngập lụt trong thời gian tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Theo báo VnExpress, cũng trong tối 1/11, UBND Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn cấp theo đề nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Theo dự báo, việc xuất hiện đồng thời hai áp thấp trong đó một cơn có nguy cơ thành bão, kết hợp không khí lạnh sẽ gây mưa "đặc biệt lớn" từ 3/11. Khu vực ảnh hưởng từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau và kéo dài trong nhiều ngày. 

Ông Hoàng Văn Thắng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết từ Huế trở vào phía Nam sẽ có nguy cơ xảy ra lũ và mưa lớn kéo dài, sạt lở đất, lũ quét.

Ông Thắng đề nghị chính quyền Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10 vừa qua ảnh hưởng đến nhiều tỉnh ven biển. "Tuyệt đối không thể chủ quan dù áp thấp nhiệt đới và bão hướng vào các tỉnh phía Nam. Thành phố phải ứng phó thiên tai thật tốt, đặc biệt trong dịp APEC", ông Thắng nói.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, ông Hoàng Thanh Hòa thông báo trong dịp APEC lãnh đạo thành phố đã đưa ra ba phương án ứng phó với tình huống có bão, lũ lụt và sóng thần. 

Thành phố hiện có 21 hồ chứa, đều có kết cấu tốt, không đến mức tiềm ẩn nguy cơ vỡ. Thành phố cũng đã có phương án phòng chống úng ngập đô thị. Điều đang khiến Đà Nẵng lo lắng là ảnh hưởng nước lũ từ thủy điện tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đổ về. 

Trong đêm 31/10, Đà Nẵng xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều cây cối ở đường Võ Nguyên Giáp bị ngã đổ, biển quảng cáo, pano quảng bá các dự án trước APEC bị rách toạc. UBND quận Sơn Trà đã cử lực lượng đi khắc phục, không để cảnh nhếch nhác.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11. UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ có khoảng 12.000 đến 14.000 người tham dự, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên, 1.000 doanh nhân và các đại biểu không chính thức.

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu