11:20 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

NHNN điều chỉnh lãi suất 4 lần, 18,8 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu nợ

Lâm Tới (T/h) | 16:53 15/07/2023

(THPL) - Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm. Các ngân hàng thương mại điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới. Bên cạnh đó, với việc áp dụng Thông tư 02, tính đến cuối tháng 6/2023, đã có trên 18,8 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm gần 62,5 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thời gian qua, NHNN cũng chỉ đạo quyết liệt các TCTD triển khai khẩn trương chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đến cuối tháng 5/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 123.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 54.000 tỷ đồng cho 2.000 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 500 tỷ đồng. Đến nay, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa đạt như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân và NHNN đã kịp thời tổng hợp, đánh giá và đề xuất kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm

“NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. 

Đối với lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo NHNN cho biết, đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ rủi ro cao, thực hiện tốt công tác định giá tài sản bảo đảm nhất là tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, thổi giá bất động sản trong thời gian qua.

Về phía các NHTM, thời gian qua, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. Agirbank đã tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ. "Mặc dù chi phí huy động tăng, nhưng ngân hàng nghiêm túc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Điều này ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh. Nhưng ngân hàng sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng trụ vững duy trì hoạt động kinh doanh, sớm vượt qua khó khăn", lãnh đạo Agribank chia sẻ

Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, tính đến hết tháng 6/2023 đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31, Agribank đã hỗ trợ lãi suất cho 893 khách hàng; doanh số cho vay 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 57,4 tỷ đồng.

Ngoài ra để hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, Agribank không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, các loại phí từ ngày phát sinh nợ quá hạn đến ngày khách hàng thực hiện trả nợ.

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức mới đây, ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết: Do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm, khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn nhưng VietinBank vẫn nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% rất tích cực, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; tích cực triển khai cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và tín dụng đối với nhà ở xã hội…

“VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ, NHNN, cũng như các cam kết và đồng thuận cùng các TCHV. Với lời kêu gọi của Hiệp hội về giảm lãi suất 1,5 – 2%, VietinBank sẵn sàng hưởng ứng”, ông Trần Văn Tần khẳng định.

Ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Ngân hàng cũng nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN về các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, triển khai tích cực Nghị định 33 và Nghị định 31 của Chính phủ.

Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Lâm Tới (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu