16:57 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

20 năm gắn bó với cây sen, mẹ Hà Nội thu nhập gần nửa tỷ mỗi vụ

17:37 01/07/2019

(THPL) - 20 năm qua, cô Đào Thị Biên (chủ đầm sen thôn Đức Dương, An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) đã chọn cây sen làm hướng đi chính để gia đình vươn lên sản xuất.

Đầm sen của gia đình cô Đào Thị Biên ở An Phú có diện tích gần 60.000m2. Với đầm sen rộng, nằm giữa không gian núi đá vôi trùng điệp, đây là địa điểm lý tưởng của các bạn trẻ đến đây chụp ảnh mỗi mùa sen về.

Cô Biên - chủ đầm sen ở An Phú. 

Gần hai mươi năm gắn bó với cây sen

Gia đình cô Biên là hộ trồng sen lâu năm của thôn Đức Dương. Năm 2000, gia đình cô bắt đầu trồng sen với diện tích nhỏ khoảng gần 3000m2. Đến năm 2009 gia đình cô gặp khó khăn. Với đồng lương ít ỏi, không ổn định từ việc đồng áng của cô và tiền phu hồ của chồng không đủ nuôi các con ăn học nên vợ chồng cô đã vay vốn ngân hàng để đầu tư làm trang trại nuôi heo.

Tuy nhiên, khoảng một năm sau đó, vợ chồng cô mất trắng vì đàn heo gặp dịch bệnh. Từ tay trắng trở, cô trở về con số âm với khoản nợ 200 triệu ngân hàng.

Đã nhiều lúc cuộc sống khó khăn, vợ chồng lục đục, cô nhọc nhằn sớm hôm vừa nuôi con ăn học lại vừa lo trả lãi ngân hàng. Để vực dậy khoảng thời gian đó, cô đã tìm đến sen và đầu tư trồng thêm sen, mở rộng quy mô nửa năm sau. Đến nay, diện tích vườn sen gia đình cô trồng đã lên đến 60.000m2.

Gắn bó với cây sen gần 20 năm, cô Biên tâm sự: “Ban đầu tôi gặp khó khăn rất nhiều. Hồi mới trồng sen, trồng ít người ta chỉ thu mua hạt là chủ yếu, ngoài ra thu mua hoa sen, lá sen. Những năm gần đây mới có nhu cầu tham quan, chụp ảnh tại đầm sen nên thu nhập từ công việc này tăng lên đáng kể”.

Diện tích đầm sen nhà cô Biên rộng khoảng 60 nghìn m2.

Hàng năm cứ vào đầu tháng 2 cô Biên bắt đầu trồng sen để kịp thu hoạch vào tháng 5 đến tháng 9 kết thúc vụ.

Để thuận tiện cho việc sản xuất, cô Biên dựng 10 căn chòi nhỏ ở đầm sen vừa trông sen, vừa tạo cảnh quan và điều kiện cho khách du lịch có thể đến tham quan, chụp ảnh.

Cây sen dễ trồng, lại tốn ít công chăm sóc nhưng ngày nào cô Biên cũng ở đầm đến 7-8h tối mới về. Cô Biên cho biết, mỗi một vụ cô thuê khoảng 10 triệu/ha để trồng. Nếu trừ đi tất cả chi phí, thu nhập từ việc trồng sen của cô tương đối cao. Cây sen chính là “người bạn đồng hành” giúp gia đình cô trả hết số nợ ngân hàng chỉ trong vòng một năm và có cuộc sống dần ổn định hơn.

Làm giàu từ việc trồng sen

Năm nào cũng vậy cứ vào mùa sen, gia đình cô Biên lại bận rộn từ sáng sớm tới tối mịt. Không chỉ phục vụ sen cho mọi người gia đình cô còn kinh doanh để du khách đến ngắm và chụp ảnh.  

Được biết, bảng giá tới thăm đầm sen nhà cô Biên là 15.000 đồng/người, nếu mua thêm một bó sen làm đạo cụ chụp ảnh có giá khoảng từ 30.000-60.000 đồng.

Cầm bó sen to, cô Biên nở nụ cười giòn tan chia sẻ: “Sen đang nở rộ và đẹp nhất vào thời điểm này nên ngày nào cũng có hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh. Những ngày cuối tuần khách đông lắm gấp đôi, gấp 3 ngày thường. Cả vụ sen gia đình tôi thu nhập được khoảng 450 triệu đồng”.

Du khách đến chụp khá đông khi sen nở rộ. 

Chia sẻ thêm cô Biên cho biết, việc trồng sen giúp cô có nguồn thu gấp 3-5 lần trồng lúa bởi ngoài việc du khách tham quan, chụp ảnh, mọi người còn sử dụng các dịch vụ đi kèm như ăn uống, nghỉ ngơi khá nhiều.

Không những vậy, cô còn bán các sản phẩm làm quà như hạt sen, lá sen, ngó sen, chè sen long nhãn, trà ướp hoa sen, hạt sen sấy khô,… cho mọi người và quảng cáo các dịch vụ của gia đình thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Bên cạnh đó, cô cũng có thu nhập đáng kể nhờ nuôi ốc, cá xen canh trồng sen.

Sen giúp gia đình cô vượt qua mọi khó khăn và có cuộc sống ổn định. 

Có thể nói, đầm sen không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình cô mỗi vụ mùa mà còn mang lại việc làm ổn định cho công nhân làm việc tại đây. Gần 20 năm gắn bó với cây sen, trải qua bao nhiêu thăng trầm, cái duyên đến với cây sen đã giúp gia đình cô vượt qua mọi khó khăn. Sen là người bạn đồng hành để gia đình cô vươn lên sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo ông Đinh Công Võ - Phó Chủ tịch HĐND xã An Phú cho biết, năm nay dự kiến sau khi hoàn thành các công trình dịch vụ phù trợ đưa vào hoạt động, đầm sen An Phú sẽ đón tiếp khoảng từ 30.000-50.000 lượt du khách đến tham quan và du lịch. Để phát huy tối đa tiềm lực du lịch của đầm sen tại xã An Phú hiện tại UBND xã An Phú đã chuyển giao quyền quản lí đầm sen cho đoàn thanh niên xã.

Là một trong những du khách đến vườn chụp ảnh, chị Nguyễn Thị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Đức Dương, An Phú ngắm sen và chụp ảnh. Sen An Phú rất đẹp, người dân ở đây cũng rất thân thiện và mến khách. Dời khỏi thủ đô ồn ào, chật chội để đến với ngoại thành ngắm hoa và chụp ảnh tôi cảm thấy rất thư thái và dễ chịu”.

Du khách đến tham quan tại đầm sen có thể mua những thức quà nơi đây như: Chè sen long nhãn, trà ướp hoa sen, hạt sen sấy khô, thưởng thức các dịch vụ ăn uống và các món ăn dân dã của miền đất ngoại thành Hà Nội.

Lê Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu