00:13 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hiệp hội Taxi TP. HCM tiếp tục gửi "đơn kêu cứu"

10:52 17/01/2018

(THPL) - Hiệp hội Taxi TP HCM vừa có "đơn kêu cứu" gửi lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị Nhà nước sớm có giải pháp cứu vãn khả năng phá sản của hàng trăm doanh nghiệp Taxi chính thống trong cả nước.

Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội Taxi TP. HCM cho biết sau hai năm tổ chức thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử từ 09 chỗ ngồi trở xuống, bên cạnh một số thành quả cũng đã bộc lộ quá nhiều thất bại và bất công, với sự phản ứng quyết liệt của các Sở GTVT, các Hiệp hội Vận tải, Hiệp hội Taxi, điển hình như: 

Quá trình thí điểm đã bộc lộ sự bất cập, bất công về mặt chính sách giữa hai loại hình Taxi và hợp đồng điện tử, bởi vì, quy về bản chất hai loại hình hoạt động như nhau, nhưng Bộ GTVT đã và đang cố gắng tạo một chợ riêng, sân chơi riêng, giống như một cơ chế thương mại độc quyền cho loại hình đang thí điểm – trong đó nòng cốt và chủ yếu là hai ông chủ nước ngoài Grab – Uber.

Việc thí điểm loại hình này buông lỏng, không hạn chế số lượng, vì vậy chỉ sau hai năm cả nước đã có trên 50.000 xe được Grab – Uber quy nạp vào mạng lưới và hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) từ Bắc vào Nam trở thành vệ tinh, thuộc cấp của Grab – Uber.

a1_bagh
"Cuộc chiến" giữa taxi truyền thống và các loại hình thí điểm hợp đồng điện tử hiện vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh minh họa)

Điều khác biệt là hầu hết xe chạy cho Grab – Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng thương hiệu, không dán logo, riêng phù hiệu có xe dán xe không … từ đó dễ dàng “tàng hình” để giành khách và qua mặt các cơ quan chức năng khi muốn kiểm tra – nhiều địa phương công khai tuyên bố “bó tay” hoặc “chúng tôi mất kiểm soát” đối với loại xe này. Trên thực tế các địa phương chỉ có thể quy hoạch đối với taxi – không thể kiểm soát và quy hoạch đối với xe hợp đồng điện tử?

Về vấn đề thuế, trong ba năm số thuế mà Grab – Uber nộp chưa bằng 1/100 (9,5 tỷ so với 1.200 tỷ) đối với với một doanh nghiệp taxi có số đầu xe chưa bằng 1/9 của Grab – Uber.

Chính vì thế đã đẩy hàng trăm hãng taxi chính thống đang lụi tàn – nguy cơ phá sản cao. Hiệp hội Taxi TPHCM lo ngại sau thị trường bán lẻ đã và đang rơi vào tay các ông chủ Thái Lan, Hàn Quốc một ngày không xa nhiều lĩnh vực khác sẽ bị người nước ngoài thôn tính làm chủ và thao túng, trong đó có lĩnh vực Taxi (nếu không được Nhà nước kịp thời giải cứu).

Cũng theo "đơn kêu cứu", bức xúc trước thực trạng trên, ngày 09/01/2018 – 03 Hiệp hội Taxi gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh thay mặt cho hàng nghìn doanh nghiệp Taxi Bắc – Trung – Nam cùng ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT – ông Nguyễn Văn Thể – để trình bày, phân tích, dẫn chứng và kiến nghị nhiều nội dung mang tính chất ‘sống còn’ đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng Taxi tại Việt Nam và chính thức khẩn cầu (kêu cứu), mong được các cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu tường tận vấn đề để "ra tay giải cứu các doanh nghiệp taxi của Việt Nam trước khi lụi tàn – phá sản".

Trước đó, theo báo Tuổi trẻ, ông Trương Đình Quý, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cũng đã có văn bản đề nghị bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét hủy bỏ quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 và cần thực hiện quản lý hoạt động Grab và Uber như vận tải taxi. 

Lý do được ông Quý nêu ra là quyết định trên đã có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thẩm định, phê duyệt đề án, gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành vận tải taxi, phá vỡ quy hoạch giao thông.

Hãng taxi Vinasun cũng cho rằng trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã không thực hiện đúng khoản 2 văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19-10-2015 của Thủ tướng về thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử như Uber và Grab. 

Đặc biệt, theo Vinasun, Bộ Giao thông vận tải đã không quy định đầy đủ, chặt chẽ các điều kiện về quản lý, về hoạt động bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thực hiện thí điểm, đặc biệt là công tác quản lý thuế, trong đó lưu ý bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Theo ông Quý, mặc dù không có hợp đồng nào được ký kết nhưng Uber, Grab vẫn được xếp vào loại hình vận tải hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị "đánh tráo". Vị này cho rằng bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, vì vậy cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi. Thế nhưng, đề án thí điểm GrabCar của hãng Grab được thông qua, xếp hoạt động này là loại hình xe hợp đồng. 

Chính điều này, theo ông Quý, đã tạo một "lối mở" cho các ôtô tham gia thí điểm ồ ạt gia nhập thị trường vận tải taxi mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh của vận tải taxi. 

Kết quả là trong một thời gian ngắn, số lượng ôtô cá nhân tăng chóng mặt, phủ kín đường, nhiều hơn số lượng taxi chính thống trước nay vẫn bị giới hạn theo quy hoạch.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu