04:21 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

“Báu vật" của gia đình nhà thơ Quang Dũng

12:01 10/01/2017

(THPL) - Nhà thơ Quang Dũng, một người con xứ Đoài tài hoa, dũng cảm và không hề kém phần lãng mạn, nổi tiếng với những tác phẩm Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Mây đầu ô ... Nhưng ít người biết, sau những thành công đó, cuộc đời của ông là một câu chuyện cảm động và đầy vinh quang, ngay cả khi ông đã qua đời.

Còn mãi một hồn thơ

Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh ra tại thôn Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ông gia nhập quân đội từ trước khi Cách mạng tháng 8 thành công và tham gia chiến dịch Tây Tiến giai đoạn hai, mở đường qua Tây Bắc. Trong số rất nhiều người trai Hà Nội tài hoa trong Trung đoàn 52 Tây Tiến thuở ấy, Quang Dũng, Phó Đoàn võ trang tuyên truyền Lào Việt là người nổi bật nhất. Dáng người to cao, đẹp trai, đàn hay, hát giỏi, vẽ cũng tài, đặc biệt còn sáng tác thơ. Bài thơ Tây Tiến (1948) là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông giai đoạn này, nó đã đi vào tâm khảm biết bao nhiêu thế hệ thanh niên Việt Nam:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy 
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ 
Có nhớ dáng người trên độc mộc 
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa 

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc 
Quân xanh màu lá dữ oai hùm 
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm 

Bài thơ là một sáng tạo với góc nhìn độc đáo, táo bạo về đề tài người lính cách mạng, một sự kết hợp hoàn hảo giữa cảm hứng hiện thực và lãng mạn, bi với hùng. Nó cũng thể hiện toàn bộ nét tài hoa trong con người Quang Dũng với cái nhìn điện ảnh và con mắt tạo hình của một nhà hội họa, kết hợp với tâm hồn lãng mạn, bay bổng của một thi sĩ “Xứ Đoài mây trắng”. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng Viện Văn học từng nhận xét: "Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn, đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, 'Tây Tiến' cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó" .

Bên cạnh Tây Tiến, nhiều tác phẩm đã được xuất bản của ông như Mây đầu ô, Mùa hoa gạo, Bài ca sông Hồng … cũng có những chỗ đứng nhất định trong lịch sử thơ ca Việt nam. Đặc biệt, bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" với những câu thơ buồn mênh mang, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc đã đi vào tâm hồn nhiều thế hệ khán giả.

“Em ở thành Sơn chạy giặc về 
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi 
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt 
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì 

Vầng trán em vương trời quê hương 
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương 
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm 
Em có bao giờ em nhớ thương”

Những bài thơ của Quang Dũng luôn thế, luôn đậm dấu ấn những địa danh, những miền đất mà chân ông từng đặt chân đến. Những vần thơ ngồn ngộn hiện thực, chồng chất những hình ảnh xếp lớp như một cuốn phim quay chậm bởi một họa sĩ tài hoa. Đắm hồn trong lời thơ, hồn nhạc “Tây Tiến” ( và những ca khúc “Mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”…) đôi khi tôi nhận ra một điều cần chia sẻ: đã là văn chương chân chính, những tuyệt phẩm của thế kỉ, của thời đại thì tất yếu sẽ chiếm lĩnh bền sâu trong muôn tâm hồn đồng điệu vượt lên, xóa nhòa mọi cách ngăn địa lý, thể chế...do đời, do người phân định.       

Tượng nhà thơ Quang Dũng được đặt trân trọng tại Trường tiểu học Thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội. 

Tình nghệ sĩ trong bão giông

Có thể nói, nhà thơ Quang Dũng nổi tiếng với Tây Tiến nhưng cũng vì Tây Tiến mà … rơi vào hoàn cảnh bi đát. Những năm cuối của thập kỉ 50, văn chương miền Bắc rơi vào một hồi “tai nạn” với cái tên nhắc tới làm nhiều văn nghệ sĩ “buốt sống lưng”: Nhân văn Giai phẩm. Hồi “tai nạn” đó đã cuốn đi cả những Hồ Zdếnh, Nguyễn Bính…và cả một Quang Dũng tài hoa. Những hình ảnh chân thực, bi hùng của đoàn quân Tây Tiến bị mổ xẻ, bị phê bình tơi bời. Bài thơ Tây Tiến ngày đó luôn được xem như một dẫn chứng để phê phán khuynh hướng tiểu tư sản trong thơ kháng chiến. Còn về phần tác giả của nó thì bị gửi đi chỉnh huấn. Kể từ đó Quang Dũng lặng lẽ chìm xuống.

Cuộc sống khó khăn đeo bám gia đình ông vì đàn con như “trứng gà, trứng vịt”, chỗ ở thì như “chuồng cu” bé tẹo tại căn gác ba cuối phố Bà Triệu và sau là ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ Hà Nội. Người dân nơi đây vẫn nhớ hình ảnh một ông già to, cao trên chiếc xe đạp Thống Nhất cà khổ đi về. Nhà thơ Quang Dũng thủa ấy cứ buổi sáng đi tập thể dục, tay cầm theo mấy bao tải, trưa về ông gom cành, lá khô ở công viên cho vào bao mang về làm chất đốt...Nhưng trong giai đoạn khó khăn và buồn bã của cuộc đời nghệ sĩ ấy, vẫn có rất nhiều bạn văn nghệ sĩ chân chính chia sẻ,  dũng cảm đến bên ông trong cái thời cơ cực “rượu chịu, văn chui”. Họ lặng lẽ đến, người biếu ông dăm đồng, lít dầu, túi gạo đỡ đần cho gia đình ông. Rất nhiều những nghệ sĩ tên tuổi lớn, nhân cách lớn đã bên ông cho đến tận ngày ông giã biệt nhân thế vào năm 1988.

Nhiều năm sau khi ông mất, những người bạn đó vẫn tiếp tục âm thầm giúp đỡ gia đình bà Bùi Thị Thạch- người bạn đời của nhà thơ Quang Dũng. Khỏe thì đi bộ, yếu thì xích lô, họ chia nhau qua lại gia đình, thăm nom bà lúc ốm đau tuổi già. Hiện tại gia đình nhà thơ vẫn giữ nguyên vẹn một kỉ vật mà họ luôn trân trọng như một “báu vật”. Đó là một danh sách mang tên “Quà tết tặng chị Quang Dũng Xuân Đinh Sửu” (1997 - PV). Danh sách gồm 15 người, bên cạnh những cây đa, cây đề trong làng văn nghệ Việt Nam như Phan Kế An, Vũ Cận, Ngô Quân Miện, Băng Sơn … còn có những người yêu thơ Quang Dũng như Giáo sư Hồ Ngọc Đại, dịch giả Phạm Quảng Hàm, nhà kinh tế học Hoàng Ước hay nhà hóa học Tố Phượng. Chuyện là một ngày giáp tết Đinh Sửu năm đó, nhà thơ Trần Lê Văn đến thăm nhà Quang Dũng xem chuẩn bị tết nhất ra sao. Cùng cảnh nghệ sĩ nghèo, cũng chẳng giúp được gì nhiều cho gia đình người bạn đã khuất, ông suy nghĩ mãi. Ông đạp xe đi đến nhà vài người bạn rồi quyết định thông báo cho 14 người nữa. Chẳng giầu có gì nhưng nghe thấy hoàn cảnh của bà quả phụ Quang Dũng, người nhiều thì 50,000 đồng người ít 30,000 thậm chí có người chỉ có 20,000 cũng góp. Cuối cùng, nhà thơ Trần Lê Văn cũng gom được 650,000 đồng, ông cẩn thận lập danh sách, nắn nót từng chữ hoa trên tiêu đề rồi trân trọng trao cho vợ nhà thơ Quang Dũng. 


"Báu vật" của gia đình nhà thơ Quang Dũng 

20 năm đã trôi qua kể từ mùa xuân ấy, nhưng nhà thơ Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng vẫn nhớ như in kỉ niệm hôm đó. Số tiền ước chừng một chỉ rưỡi vàng mang nặng tấm lòng của những nghệ sĩ Hà Nội năm đó đem lại niềm vui và động viên tinh thần cho bà Thạch cùng gia đình nhà thơ có một cái Tết ấm áp. Nhiều người trong bản danh sách năm đó đã về bên kia thế giới, nhưng những tình cảm của họ vẫn mãi mãi tồn tại trong tấm lòng các thế hệ con cháu nhà thơ Quang Dũng. Châm thêm nén hương thắp trên bàn thờ bố, nhà thơ Bùi Phương Thảo tâm sự: “Tình cảm đó của các chú các bác đối với gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi, đã giúp cho mấy anh chị em trong nhà có thêm động lực, có thêm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để trở thành những người có ích cho xã hội”.

Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) tên thật Bùi Đình Diệm là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như Tây Tiến, Mây đầu ô, Mắt người  Sơn Tây, Bài ca sông Hồng … Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 2001.

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu