05:20 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xúc tiến thương mại trực tuyến: Đòn bẩy cho doanh nghiệp Việt thích ứng và phát triển

08:37 20/04/2022

(THPL) - Theo dự báo từ các chuyên gia, trong năm 2022, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng thị trường và phục hồi sau đại dịch.

Xúc tiến thương mại (XTTM) là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, bao gồm các hoạt động như: Khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, hội chợ, triển lãm thương mại, ... Hoạt động xúc tiến thương mại luôn giữ một vị trí quan trong trong hoạt động xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và trở thành đòn bẩy hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tìm được đầu ra cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và mở rộng thị trường.

Thời gian qua, dịch COVID-19 buộc các nền kinh tế lớn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ... phải thực hiện các biện pháp mạnh nhằm hạn chế sự lây lan, khiến hoạt động XTTM của DN Việt Nam tại các thị trường quốc tế không thể diễn ra như kế hoạch.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức XTTM, quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ số. Đây được xem là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hạn chế di chuyển, đồng thời là giải pháp lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

Liên quan đến hoạt động XTTM, theo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, tại Hội nghị Tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây, ông Đoàn Quốc Tâm - Ban Hợp tác Vecom cho hay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn luôn có những khó khăn đến từ nguồn lực về con người và tài chính. Trong khó khăn đấy, chính sự thay đổi của nền kinh tế đặc biệt là mô hình kinh doanh mới là chuyển đổi số và thương mại điện tử trực tuyến đôi khi khiến các doanh nghiệp hoang mang và lo lắng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp định hướng rõ ràng hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là cơ hội để thích ứng, thay đổi và phát triển lâu dài. Song, vì nguồn lực có hạn nên ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước cần các chương trình tập huấn, các buổi học như Hội nghị tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang đến kết quả.

"Chính doanh nghiệp thiếu nguồn lực nên họ rất cần những sự hỗ trợ, tư vấn đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội…đó là những bước rất quan trọng" - ông Tâm nhấn mạnh.

Xúc tiến thương mại trực tuyến chính là đòn bẩy cho doanh nghiệp Việt thích ứng và phát triển. Ảnh minh họa

Báo Tin tức thông tin thêm, trước đó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn cho biết với chi phí chỉ bằng 1/10 so với tiếp xúc trực tiếp, kết nối trực tuyến hiện là giải pháp để doanh nghiệp duy trì được các mối liên hệ với thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng là công cụ tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường.

“Chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần do được rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7,” ông Sơn chia sẻ.

Kết nối giao thương trực tuyến là chìa khóa vàng để hàng hóa của doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu. Song, các chuyên gia cho rằng, không nên chỉ trông chờ vào các chương trình xúc tiến của nhà nước. Bản thân doanh nghiệp có thể tự chủ động giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của công ty mình một cách chuyên nghiệp.

Để tạo đà cho thương mại điện tử phát triển, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết tới đây, Cục tiếp tục mở rộng chương trình gian hàng Việt trực tuyến quốc gia cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn tập trung hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và bức tranh toàn cảnh cho thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2022-2025 sẽ có nhiều bứt phá.

Đánh giá lại thị trường thương mại điện tử thời gian qua, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ, hai năm trở lại đây, người tiêu dùng đã dần quen và trở nên ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này thể hiện qua số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng gấp 10 lần. Đáng lưu ý, đến thời điểm này đã có một nửa dân số của Việt Nam mua sắm qua thương mại điện tử.

Cụ thể, những ngày cận Tết Nguyên đán năm 2022, các sàn thương mại điện tử lớn đã ghi nhận sức mua của người dân tăng từ 40-100%. Cụ thể, doanh thu trên sàn Tiki trong 4 tuần trước Tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt tập trung vào các ngành hàng điện tử và gia dụng; Lazada nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Shopee cũng ghi nhận số lượng người mua và lượng đơn hàng tăng gần 100% trong dịp cao điểm bao gồm các ngành hàng thời trang, hàng tiêu dùng nhanh, điện tử.... Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia, tới đây doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, nhất là với các sàn thương mại điện tử thay vì chỉ có một website hoặc chỉ có một fanpage Facebook như hiện nay.

Anh Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu