03:17 ngày 08/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Triển vọng tích cực xuất khẩu gỗ, hướng tới mốc 18 tỷ USD trong năm 2025

17:11 06/01/2025

(THPL) - Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính trong quý IV/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với quý III/2024 và tăng 17,3% so với quý IV/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với quý III/2024 và tăng 17,4% so với quý IV/2023.

Tính chung, trong năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023.

Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 17,3 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ vượt mốc lịch sử, đặt mục tiêu 18 tỷ USD trong năm 2025. Ảnh minh họa

Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, vượt qua nhiều thách thức để tiến gần đến mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ, chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, đã tạo cơ hội cho ngành gỗ tăng tốc xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng và mở rộng hiện diện tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ.

Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.

Liên quan đến ngành gỗ, theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá, năm 2024 toàn ngành đã tham mưu, triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, quy hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tham mưu tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện ngành lâm nghiệp, chương trình phát triển lâm nghiệp, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp. Do vậy, ngành lâm nghiệp duy trì được kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào kết quả của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn các văn bản hướng dẫn được kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình. Chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân, các đơn vị tham gia bảo vệ rừng.

Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản…Năm 2025, toàn ngành đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5 - 5%; phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD. 

Để đạt được kết quả con số xuất khẩu 18 tỷ USD, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại nên các doanh nghiệp, hiệp hội địa phương đã tham gia các hội chợ nhưng không nhiều. Do đó, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp làng nghề tham gia các hội chợ nhiều hơn. Việc tham gia hội để ký được hợp đồng ngay là khó, nhưng đi dự hội chợ để “mở mang” là việc cần thiết.

Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).

Hiện Cục Lâm nghiệp đã phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Nhiệm vụ của mã số này là phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.

“Tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính”, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.

Tú Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu