13:49 ngày 08/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Vinafruit đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030

10:01 07/01/2025

(THPL) - Dựa trên cơ sở tăng trưởng những năm vừa qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030.

Nội dung trên được Hiệp hội rau quả Việt Nam thông tin tại Đại hội nhiệm kỳ V của Hiệp hội ngày 6/1/2025.

Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (Vinafruit), từ năm 2019 đến năm 2022, hoạt động giao thương, thương mại toàn cầu giảm sút do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng chục ngàn container bị ùn ứ tại cửa khẩu. Trong giai đoạn này, đã có hơn 40% thành viên, doanh nghiệp đã rời khỏi Hiệp hội Rau Quả Việt Nam.

Đứng vững trong giai đoạn khó khăn bởi COVID-19, từ năm 2023 đến nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023, xuất khẩu rau quả lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 5,6 tỷ USD, tăng 57,7% so với năm 2022 chỉ trong vòng 1 năm. Trong năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục gặt hái những thành công mới khi lần lượt vượt mốc 6 tỷ và kết quả năm 2024 kim ngạch đạt 7,2 tỷ USD.

Dựa trên cơ sở tăng trưởng những năm vừa qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030. 

Ngành rau quả hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh minh họa

Liên quan đến mặt hàng rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Vinafruit nhiệm kỳ IV thông tin: “Việt Nam đang hội nhập tốt vào kinh tế toàn cầu, nhà nước đã tích cực đàm phán và ký kết được 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới  để mở rộng thị trường xuất khẩu cho rau quả, đặc biệt là các hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 12 mặt hàng trái cây của Việt Nam trong đó có mặt hàng sầu riêng đã đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc lên một mốc phát triển mới. Nhiều loại cây ăn quả chủ lực đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá; nhà vườn không ngừng nâng cao trình độ về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thâm canh, nâng cao và có sự hợp tác chia sẻ lợi ích cùng nhau phát triển giữa các doanh nghiệp".

Theo ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những kết quả mà ngành rau quả đóng góp cho lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thuỷ sản nói riêng và kinh tế cả nước nói chung. Đồng thời, khẳng định chất lượng sản phẩm rau quả Việt Nam ngày càng được nâng cao, được nhiều thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ngành rau quả cần tập trung khắc phục các hạn chế về liên kết sản xuất – tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ chế biến.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, ngành rau quả cũng cần tập trung khai thác thị trường nội địa, cung cấp các sản phẩm chất lượng, an toàn cho hơn 100 triệu người dân trong nước. Đối với Hiệp hội, ông Hoàng Trung nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa việc phát triển hội viên, tham gia tích cực vào xây dựng chính sách, đồng hành cũng các Bộ, ngành liên quan thực hiện đàm phán, mở rộng thị trường cho ngành hàng.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, trong những năm tới thị trường xuất khẩu còn tiếp tục phát triển mở rộng với các khu vực chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Asean, Hoa Kỳ, Canada, EU. Bên cạnh đó là các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, UAE, Australia và New Zealand. Đây là dư địa lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, ngành cũng đối mặt với không ít thách thức từ biến đổi khí hậu, tình hình sâu bệnh gây hại, lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến tuổi thọ vườn trồng, năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, tinh vi hơn và có xu hướng tăng cao ở tất cả các thị trường...

Đặc biệt, Hiệp hội rau quả Việt Nam đã chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục để đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2030. Đó là, khâu tổ chức sản xuất chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu xuất khẩu; thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán.

Diện tích trồng cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất an toàn (GlobalGAP, VietGAP) hoặc theo hướng an toàn còn thấp (20-30% trên tổng diện tích). Việc lạm dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật luôn là nguyên nhân dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây Việt trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Số lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được cấp từ các nước nhập khẩu như Trung Quốc còn ít so với quy mô sản xuất của Việt Nam đặc biệt đối với ngành hàng sầu riêng. Tính đến nay mới chỉ có 708 mã vùng trồng và 168 mã cơ sở đóng gói cho khoảng 25 nghìn ha/150.000 ha...

Để thực hiện được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030, ngành rau quả định hướng theo xu hướng kinh tế xanh, giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Ứng dụng công nghệ cao, thực hành các quy trình, quy phạm chuẩn trong sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Song song đó, hiệp hội tập trung nâng cao năng lực tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu cho hội viên, ngành hàng. Tổ chức hoạt động kết nối, liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ; xây dựng các chuỗi cung ứng rau quả tại các địa phương, vùng sản xuất rau quả trọng điểm tạo ra nguồn cung ứng dồi dào, ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tuấn Kiệt (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu