03:02 ngày 09/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết

07:46 08/01/2025

(THPL) - Năm 2025, Tổ Điều hành thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.

Chiều ngày 7/1, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Nhiều giải pháp điều tiết cung cầu đã được triển khai

Tại Hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Năm 2024, kinh tế cả nước tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có nhiều bất ổn. Thị trường trong nước tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng luôn được bảo đảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2024 dự kiến đạt 6.449 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023. CPI năm 2024 ở mức gần 3,7%, nằm trong giới hạn chỉ tiêu Quốc hội giao về kiểm soát lạm phát.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với Bộ ngành, Sở Công Thương các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổng công ty... theo dõi tình hình thị trường các hàng hóa thiết yếu; đánh giá, kiến nghị lên Chính phủ những giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp và giải pháp điều hành thị trường thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, nhiều giải pháp điều tiết cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường nhanh chóng được triển khai, góp phần phục vụ cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Công Thương

Trong giai đoạn cao điểm, nhu cầu tăng mạnh như Tết Nguyên đán hoặc khi thị trường có biến động do ảnh hưởng của bão, lũ đặc biệt là cơn bão số 3 vừa qua, các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường được Vụ Thị trường trong nước triển khai kịp thời. Do vậy, nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên thị trường cho nhu cầu Tết được bảo đảm, giá hàng hóa được bán theo các Chương trình bình ổn thị trường nên không có biến động bất thường.

Đối với công tác điều hành mặt hàng xăng dầu, trong năm 2024, Vụ Thị trường trong nước luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Đối với công tác quản lý mặt hàng kinh doanh có điều kiện, Vụ tích cực hướng dẫn hoạt động kinh doanh và cấp giấy phép cho các doanh nghiệp phân phối sản phẩm rượu, thuốc lá, xăng dầu, khí theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Cũng trong năm 2024, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra việc duy trì, chấp hành điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như: Xăng dầu, khí, rượu, thuốc lá; kịp thời cung cấp thông tin thương nhân có dấu hiệu vi phạm để Tổng cục Quản lý thị trường xem xét, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.

Theo đó, Vụ Thị trường trong nước đã chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh với 6 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và 10 thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó, có 3 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả giấy phép.

Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 2.314 vụ với số tiền xử phạt khoảng 12 tỷ đồng; trong đó, riêng số vụ việc mà Vụ Thị trường trong nước chuyển sang cho Tổng cục đề nghị xử lý là 4 thương nhân (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối); xác minh 24 vụ, xử lý 14 vụ, 1 vụ thu hồi giấy phép.

Đối với mặt hàng rượu, trong tổng số 318 vụ Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra trong năm qua thì có 266 vụ do Vụ Thị trường trong nước đề nghị. Với mặt hàng thuốc lá, Vụ Thị trường trong nước đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 76 vụ, thu hồi và đình chỉ nhiều giấy phép.

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm Lễ, Tết

Thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước theo tinh thần tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, Bộ Công Thương đang tiến hành sáp nhập một số đơn vị trong đó có Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường.

Năm 2025, Tổ Điều hành thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.

Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết. Ảnh minh họa

Thực hiện tích cực công tác quản lý đối với các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí; quản lý nhà nước đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong Bộ, Sở Công Thương các địa phương, các Hiệp hội, ngành hàng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tiêu thụ sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa... để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP…

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát triển thị trường trong nước

Năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý, câu chuyện quan trọng đầu tiên liên quan đến sắp xếp bộ máy. Vụ Thị trường trong nước sẽ sáp nhập với Tổng cục Quản lý thị trường, chức năng nhiệm vụ sẽ mở rộng thêm, bộ máy hình thức là Cục, nhiệm vụ là quản lý và phát triển thị trường trong nước.

“Quản lý thì hiện nay Vụ Thị trường trong nước đã làm, nhưng sự mong mỏi của lãnh đạo Bộ ở vai trò đối với đơn vị mới chính là sự phát triển thị trường. Đây là điều cần hết sức lưu ý” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Trong khi đó, năm tới, lãnh đạo Đảng, nhà nước yêu cầu phải phát triển đột phá. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc tăng cầu nội địa. Chỉ số phát triển kinh tế vĩ mô hiện nay dựa vào nhiều yếu tố, động lực, trong đó có cầu nội địa. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị vai trò của đơn vị là tập trung vào lĩnh vực này.

“Với mô hình Cục, chắn chắn phải chủ động hơn, tập trung hơn, khắc phục những hạn chế đã nêu trong năm 2024. Hy vọng năm 2025, các đồng chí sẽ củng cố thêm đà đang rất tốt của năm 2024, đồng thời có sự phát triển, đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu