09:47 ngày 09/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát trong năm 2025

12:24 08/01/2025

(THPL) - Bộ Tài chính nhận thấy, năm 2024 có những thành công nhưng trong năm 2025 vẫn tiềm ẩn những yếu tố tác động làm tăng CPI, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là 4,5%.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở.

Liên quan đến lạm phát, tại buổi họp báo quý IV/2024 của Tổng cục Thống kê diễn ra ngày 6/1, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá áp lực lạm phát năm 2025 vẫn còn, có thể đến từ một số yếu tố, bao gồm cả bên ngoài như xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường, có nguy cơ lan rộng. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Cùng với đó, hiện tượng thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội toàn cầu. Điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải, tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới, gây ra các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Đặc biệt, các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng rất khắc nghiệt, dẫn đến các phản ứng trả đũa từ các quốc gia.

Theo Bộ Tài chính, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát trong năm 2025. Ảnh minh họa

Với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ trong những năm vừa qua, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh lại cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 là 4,5% mà Quốc hội thông qua hoàn toàn có khả thi và sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Dù vậy, cũng không nên chủ quan bởi theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế, chính trị của thế giới trong năm 2025 có thể sẽ diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố rủi ro khó lường.

Cụ thể, giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá nhiên liệu và năng lượng biến động rất khó lường, tiềm ẩn các cú sốc rủi ro cho lạm phát của năm 2025. Hiện nay, xung đột chính trị trên thế giới vẫn leo thang, cạnh tranh thương mại gay gắt ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, logistic, từ đó tác động đến giá nhiên liệu.

Ở trong nước, rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương. Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công, điều này cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát một cách hợp lý.

Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định, trong quá trình thực hiện điều tiết giá nói chung, Bộ Tài chính nhận thấy năm 2024 có những thành công nhưng trong năm 2025 vẫn tiềm ẩn những yếu tố tác động làm tăng CPI và ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là 4,5%.

Ông Bình cho rằng, có nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát năm 2025, nhưng ngoài yếu tố tác động bên ngoài thì còn tiềm ẩn nhiều yếu tố như biến động giá một số mặt hàng thiết yếu, việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 05/CT-BTC tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó có một số biện pháp quản lý điều hành giá trong 2025 nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Cục Quản lý giá đã tổ chức họp Tổ giúp việc và thời gian tới Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ họp để đưa ra kịch bản điều hành giá cho năm 2025.

Vẫn theo ông Bình, năm 2025, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; chủ động kịch bản điều hành với từng nhóm mặt hàng, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, trên cơ sở nắm bắt thông tin thị trường, cung cầu hàng hóa, để lên các kịch bản điều hành phù hợp cho cả năm.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu