14:43 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam thu về 1,8 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả trong 4 tháng

15:49 02/05/2024

(THPL) - Đến hết tháng 4, xuất khẩu rau quả Việt Nam ước đạt 520 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong bốn tháng đầu năm của nước ta đạt 1,8 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit), đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, loại quả này đóng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành trên 5,6 tỷ USD.

Trước đó, trong quý I/2024, hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính đều tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Hoa Kỳ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%; Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng 112%...

Liên quan đến hàng rau quả, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến, năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có trái sầu riêng của Việt Nam, sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, trái dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu mang về 6,5 tỷ đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, đồng thời các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc….

Việt Nam thu về 1,8 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả trong 4 tháng. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những thông tin tích cực về xuất khẩu rau quả, chất lượng trái cây xuất khẩu đang là vấn đề không nhỏ đối với ngành hàng xuất khẩu tỷ USD này. Đơn cử như câu chuyện sầu riêng được giá nhưng vấn nạn sầu riêng xuất khẩu bị cắt trái non lại tiếp tục tái diễn tại thị trường Nhật Bản.

Theo một doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam tại Nhật Bản, đầu tháng 3/2024, doanh nghiệp này ký hợp đồng mua 6 tấn sầu riêng đông lạnh bóc múi của một doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Khi hàng xuất qua, doanh nghiệp này phải bán thanh lý, tiêu hủy gần 2,5 tấn. Các đối tác bán lẻ Nhật Bản phản ánh, sầu riêng nhạt toẹt, có vị chua, một số hộp còn nổi màu đen như nấm mốc…

Tương tự, trái ớt Việt Nam bị tăng kiểm tra tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Thương vụ đã nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc.

Theo đó, nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thực phẩm nhập khẩu, MFDS thông báo sẽ gia hạn lệnh kiểm tra theo Điều 22 (Lệnh tiến hành kiểm tra) của “Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu” và theo “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”…

Với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, mặt hàng thực phẩm cần kiểm tra là ớt cay (Cayenne, Capsicum, Chili Pepper, Red Pepper, Tabasco). Hạng mục kiểm tra: 7 thuốc trừ sâu (Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolane, Metominostrobin).

Ngoài ra, cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh Hàn Quốc có ý định nhập khẩu thực phẩm theo lệnh kiểm tra phải nộp báo cáo thử nghiệm do các phòng thí nghiệm được MFDS phê duyệt cấp khi khai báo nhập khẩu.

Tương tự, Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng thông báo về việc Đài Loan (Trung Quốc) tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu.

Trước những thông tin trên, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: "Phải tuân thủ các quy định về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật. Biện pháp SPS bắt buộc nhà sản xuất và doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định này. Vì vậy, khi chúng ta không nắm được quy định này và vi phạm thì lập tức, chúng ta sẽ bị thị trường cảnh báo".

Còn theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT chia sẻ: "Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các tổ hợp tác xã phải có những khuyến cáo, phổ biến các thông tin, xây dựng các quy trình để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định chặt chẽ về mặt chất lượng, để đảm bảo cho các sản phẩm đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam".

Thanh Mai (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu