05:44 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xăng dầu cao kỷ lục, doanh nghiệp vận tải kêu khó

15:47 16/06/2022

(THPL) - Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá. Hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng vừa tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vận tải đều kêu khó khi giá xăng dầu liên tục tăng cao.

Báo VTC News đưa tin, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bắc Kỳ Logistics cho biết, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

“Doanh nghiệp vận tải vừa thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thì nay lại gặp thách thức lớn khi giá nhiên liệu tăng cao. Doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ ở một mức vừa phải để bù đắp chi phí. Nhưng nếu giá xăng dầu cứ tiếp tục tăng, doanh nghiệp chắc chắn thua lỗ dài dài", ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, chi phí vận tải chiếm đến 60% chi phí logistics, khi giá xăng tăng đột biến sẽ gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành doanh nghiệp. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng khiến loạt phí như phí cầu đường, phí cầu cảng, bến bãi.... tăng theo. Đáng chú ý, dù giá nhiên liệu tăng cao nhưng giá dịch vụ khó tăng ngay do nhiều hợp đồng đã ký từ trước và phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của khách hàng.

Xăng dầu cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp vận tải kêu khó. Ảnh minh họa

Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cho rằng giá dầu tăng mạnh đã giáng một đòn mạnh vào quá trình phục hồi của doanh nghiệp sau dịch COVID-19.

“Giá xăng dầu tăng mạnh khiến doanh nghiệp vận tải tiếp tục phải đối mặt rủi ro. Nếu không điều chỉnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ. Nhưng nếu tăng cước sẽ có nguy cơ mất khách hàng”, ông Hải nói.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

“Xăng dầu tăng khiếp quá, anh em làm vận tải chúng tôi sốc nặng, thở không nổi. Chúng tôi cũng biết xăng dầu tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng trong hoàn cảnh này, chỉ có đóng cửa nhà xe mới mong thoát lỗ”, ông Bằng nói.

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, báo Người lao động đưa tin, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương thẳng thắn nói: "Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu với tất cả các ngành kinh tế và đời sống người dân, không phải mặt hàng xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng mà đánh thuế TTĐB đến 10%. Điều này là quá phi lý! Cần giảm thuế suất thuế TTĐB đầu tiên, giảm xuống mức thấp nhất có thể, thậm chí loại bỏ sắc thuế này khỏi cơ cấu giá xăng dầu".

TS Phương cũng thừa nhận việc đồng loạt giảm các loại thuế xăng dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm đáng kể. Nhưng trong bối cảnh người dân, DN đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và xăng dầu có ý nghĩa quan trọng với toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, việc lựa chọn "hy sinh" ngân sách tạm thời để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn cần thiết.

Trước đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân góp ý Chính phủ cần linh hoạt sử dụng công cụ thuế phù hợp với tình hình. Theo ông, cần chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm ngay thuế BVMT vì nhiều mục tiêu quan trọng hơn.

Ngoài giải pháp giảm thuế, các chuyên gia kinh tế còn góp ý cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, bởi khan hiếm nguồn cung sẽ đẩy giá lên cao. "Cần đẩy mạnh sản xuất trong nước song song tìm nguồn nhập khẩu với giá hợp lý để kìm đà tăng của giá xăng dầu" - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Về vấn đề nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II/2022 và tồn kho gối đầu sang quý III/2022 khoảng 2 triệu m3. Bộ này đang yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước, từ đó có kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu thay thế.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu