14:25 ngày 16/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ cân nhắc giảm thuế để giảm giá xăng dầu

15:52 02/06/2022

(THPL) - Sáng ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ một số vấn đề được cử tri quan tâm trước Quốc hội: Ngân sách Nhà nước, thu thuế bất động sản - thị trường chứng khoán, thuế xăng dầu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2021, thu ngân sách nhà nước đạt 1,568 nghìn tỉ đồng, vượt 16,8% so với dự toán và đạt gần 3,9% so với năm 2020. Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, thu ngân sách của Việt Nam chủ yếu từ tiền đất và dầu thô.

Song, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết không phải như vậy. Bởi, tiền đất cả nước thu được là 185 nghìn tỉ (chiếm 11% tổng thu ngân sách), dầu thô thu được 44 nghìn tỉ (2,9% tổng thu ngân sách). Như vậy, thu ngân sách gồm tiền đất và dầu thô chỉ chiếm khoảng 14% tổng thu ngân sách nhà nước.

"Điều này thể hiện năng lực sản xuất, kinh doanh của chúng ta rất tốt. Và trong số vượt thu 225 nghìn tỉ, có 74 nghìn tỉ tiền đất và 21 nghìn tỉ vượt thu từ dầu thô (chiếm 45% tổng số vượt thu)", ông Phớc nói.

Vấn đề thu thuế bất động sản hiện nay cũng là một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm, nhiều người lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế, Nghị định 12, Nghị định 65, Thông tư 92 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện thuế giá trị gia tăng, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp đồng của mình theo đúng số tiền thoả thuận; nếu thấp hơn thì áp theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.

"Thời gian qua có tình trạng trốn thuế, trục lợi về thuế trong những giao dịch bất động sản, nên bộ đã có 2 văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt việc này, đúng với giá trị mua bán. Đồng thời cũng ngăn chặn hành vi đầu cơ kinh doanh bất động sản", ông Phớc nói.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quochoi

Theo báo Lao động, liên quan đến vấn đề giá cả, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, hiện nay nhiệm vụ cấp bách là chống được lạm phát. Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, đồng nghĩa với việc những nguyên liệu phụ thuộc ở nước ngoài chúng ta phải theo dòng chảy, tác động của nước ngoài như thép, phôi thép, xăng dầu…

"Chống lạm phát là vấn đề hết sức quan trọng, giải pháp. Ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, quản lý giá… thì vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tái cơ cấu, tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước", ông Phớc nêu giải pháp chống lạm phát.

Có như vậy chúng ta mới tạo ra được sản phẩm, nâng cao được mức thu nhập của người dân và doanh nghiệp, qua đó sẽ có sức mạnh chống lạm phát.

Với riêng xăng dầu, có ý kiến cho rằng - cần phải giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Mà muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Các loại thuế chiếm khoảng 28% trong giá xăng đầu, vừa qua đã giảm 50% thuế môi trường. Còn lại là thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, một số thuế khác thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội", ông Phớc thông tin.

"Giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động; sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu", ông Phớc cho biết.

Bên cạnh giải pháp giảm thuế, ông Phớc kiến nghị thắt chặt hơn việc chống buôn lậu xăng dầu khi giá xăng dầu trong nước so với giá ở Lào chênh nhau 11.000 đồng, giá tại Campuchia, Thái Lan cũng chênh. Một vấn đề nữa là thúc đẩy nguồn cung, làm thế nào để nâng công suất 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất.

Theo báo Dân trí, trước đó, cả ngày 1/6 khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề giá xăng dầu trong bối cảnh mặt hàng này đang tăng "nóng".

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino" với giá cả các mặt hàng khác.

"Hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", ông Ngân kiến nghị.

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cũng cho biết, cử tri phản ánh nhiều về việc giá cả sinh hoạt gia tăng liên tục và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình.

"Giá xăng và nguyên vật liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều tăng làm ảnh hưởng đến triển khai nhiều công trình lớn, ảnh hưởng đến hoạt động nhiều doanh nghiệp", bà Hương nói. Theo đại biểu này, số liệu thống kê cũng cho thấy, các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực sẽ có tác động đến đời sống của người dân.

Đại biểu Hương đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá đối với các mặt hàng trên để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu