07:39 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ ngộ độc tại Lai Châu: Đã có 8 người tử vong

| 10:41 17/02/2017

(THPL) - Đến nay, tổng số người nghi ngộ độc thực phẩm tham dự ăn cơm, uống rượu ở đám tang tại bản Tả Chải là 49 người, trong đó có 8 người tử vong.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, hiện đã có thêm nạn nhân tử vong trong vụ ngộ độc rượu tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, nâng số ca tử vong lên 8 người.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bệnh viện (BV) Bạch Mai lên hỗ trợ cấp cứu ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Lai Châu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Đối cho biết: "Đến nay, tổng số người nghi ngộ độc thực phẩm tại bản Tả Chải là 49 người, trong đó có 8 người tử vong".

Tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân trong vụ nghi ngộ độc này là 24 triệu đồng với gia đình có người chết, với người nằm viện 2,8 triệu đồng/người.

Ngoài 7 người tử vong trước đó, đến trưa 15/2 có thêm 1 người tử vong. Trường hợp này đã được tuyên truyền, vận động khi có biểu hiện thì kịp thời ra cơ sở y tế để cứu chữa, nhưng khi gia đình đi làm nương về thì phát hiện bệnh nhân đã tử vong tại nhà. Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chuyên môn kết luận nạn nhân này có liên quan đến ăn, uống tại đám tang ông Phu Vần Lẻng ngày 10/2.

Bác sỹ đang tích cực điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Internet

Đến thời điểm hiện tại, tại BVĐK tỉnh Lai Châu đang điều trị cho 10 trường hợp và có tiến triển tốt, trong đó 2 trường hợp nặng nhất đã thoát khỏi cơn nguy kịch và không phải thở máy. 5 ca lọc máu 2 lần đã ổn định, không phải lọc máu lần 3. Tuy nhiên, dù bảo toàn được tính mạng, nhưng một số trường hợp có thể bị di chứng về thần kinh và mắt.

Còn Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ đang điều trị cho 11 ca và phần lớn chỉ là theo dõi để ngăn chặn nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Như vậy, hiện có 24 người đang được chăm sóc, điều trị tại các BV, tình trạng sức khỏe đều có tiến triển tốt hơn và đang tiếp tục được chăm sóc, điều trị tích cực. Ba người đang được chăm sóc, theo dõi tại trạm y tế xã. Một số trường hợp còn lại có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, nhưng mức độ nhẹ, đã được khám sàng lọc tại trạm y tế xã, tình hình sức khỏe ổn định được cho về gia đình và tiếp tục theo dõi.

Hiện nay, huyện Phong Thổ đã tổ chức 4 đoàn công tác cùng với các lực lượng chức năng rà soát từng hộ gia đình người dân tại bản Tả Chải cũng như khu vực lân cận để xác minh những người tham gia đám tang và tuyên truyền, vận động nhân dân khi có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm thì sớm ra cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa.

BS. Đỗ Văn Giang, Giám đốc BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết: "Kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của 10 ca ngộ độc đang điều trị tại BVĐK tỉnh Lai Châu do Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cung cấp thì có 1 ca âm tính, 1 ca có mức nồng độ thấp (hơn 20mg/dL), 8 ca còn lại đều có nồng độ methanol trong máu cao (thông thường nồng độ methanol trong máu >20 mg/dL là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng). Trường hợp ca bệnh có nồng độ methanol cao nhất là trên 326 mg/dL".

GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai đã trực tiếp đến thăm, khám và nhận định, tất cả các bệnh nhân đều có dấu hiệu ngộ độc methanol và đã có phác đồ điều trị đúng, không bệnh nhân nào phải chuyển về Hà Nội. Đây là thành công lớn trong việc điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế tuyến dưới.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND huyện Phong Thổ, Phòng khám đa khoa khu vực Dào San và Trạm Y tế xã Ma Ly Chải phối hợp với lực lượng cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ổn định trật tự, an ninh, bảo đảm tư tưởng cho người dân, tránh kẻ xấu lợi dụng, và tuyên truyền vận động người dân, nếu có dấu hiệu bất thường thì đến ngay cơ sở y tế để khám và được cấp cứu kịp thời.

Tiếp tục tuyên truyền vận động các gia đình, người dân trong bản và các xã lân cận có tham dự ăn cơm, uống rượu tại đám tang đang ở lán nương về xã để khám, kiểm tra sức khỏe. Các hộ gia đình hạn chế tổ chức ăn cơm, uống rượu tập thể đông người.

Trước đó, theo thông tin ban đầu, ngày 10.2, gia đình ông Phu Văn Lèng (SN 1957, dân tộc Hà Nhì) tổ chức ăn uống. Sau đó, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22h cùng ngày. Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình tổ chức lo hậu sự, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12, 13 theo phong tục.

Tuy nhiên, đến ngày 13.2 thì đồng loạt xảy ra hiện tượng nhiều người có triệu chứng giống như ông Lèng đã bị trước đó rồi tử vong.

Cụ thể, nạn nhân Chang Mờ Giá (SN 1962) tử vong lúc 7h sáng; nạn nhân Chang A Bồ (SN 1979) tử vong lúc 8h sáng; nạn nhân Lý Xá De (SN 1982) tử vong lúc 14h; nạn nhân Chang A Lù (SN 1967) tử vong lúc 18h; nạn nhân Ma Già Pô (SN 1978) tử vong lúc 17h55' và nạn nhân Cang Di Xa (SN 1982) tử vong lúc 22h.

Trung Hiếu (T/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu