06:30 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vụ khai thác gỗ trong vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar: Ai đã “bán” rừng cho “lâm tặc”?

09:20 04/12/2019

(THPL) - Những cây gỗ đại cổ thụ bị thảm sát ngổn ngang, những phách gỗ lớn được “lâm tặc” mở đường đưa ra khỏi rừng đầy bất minh. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thì không phát hiện ra phá rừng. Vậy, ai đã “bán” rừng cho “lâm tặc”? Để đại ngàn cứ “chảy máy” triền miên!

Có dấu hiệu hình sự?!

Như Thương hiệu và Pháp luật điện tử đăng tải loạt phóng sự điều tra về tình trạng phá rừng hết sức nghiêm trọng xảy ra bên trong vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, thuộc quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar.

Ngay sau khi Thương hiệu và Pháp luật điện tử thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Ana đã chủ động phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar tiến hành kiểm tra thực tế.

Qua kiểm tra, công an huyện và các ban ngành chức năng xác định khu vực rừng đặc dụng Nam Kar bị chặt phá, khai thác gỗ trái phép thuộc địa phận hành chính xã Bình Hòa, huyện Krông Ana. Trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng Nam Kar thuộc về Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk.

Vụ khai thác gỗ trong vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar có dấu hiệu hình sự (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Ana tiếp tục phối hợp với Phòng PC03, PC05 Công an tỉnh Đắk Lắk, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar, UBND huyện, UBND xã Bình Hòa tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, các vị trí lâm sản được tập kết, các gốc cây gỗ bị khai thác trái phép thuộc các trạng thái rừng gỗ tự nhiên, hiện trạng rừng thường xanh giàu, chức năng rừng đặc dụng. Một số lượng lóng, hộp gỗ đã khai thác chưa kịp vận chuyển còn bỏ lại tại mép bìa rừng đặc dụng (thuộc tiểu khu 1023, cách trụ sở Trạm kiểm lâm số 8 của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar khoảng 500m).

Dọc theo tuyến đường kiểm tra phát hiện một số gốc cây bị chặt hạ, số cây bị chặt hạ bước đầu phát hiện là 13 cây gỗ các loại, bìa bắp, ngọn, và những phần bị sâu bọng, lóng, hộp gỗ nằm rải rác tại hiện trường, một số đã bị xẻ hộp và lấy đi.

Tổng khối lượng lâm sản bị khai thác, chặt hạ (tính cả phần gốc, hộp gỗ) còn tại hiện trường là 41,267m3 (trong đó, gỗ tròn 13 lóng với khối lượng 34,963m3; gỗ xẻ là 22 tấm, hộp với khối lượng 6,304m3 chưa quy tròn) và 12 gốc (các gốc đều còn mới, có đường kính từ 25cm đến 130cm), chủng loại từ nhóm III đến nhóm VIII thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 nằm trên địa giới hành chính xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk).

Bộ phản lớn đang được vận chuyển ra khỏi rừng (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Tại hiện trường, các đối tượng còn để lại 02 máy tời tự chế, dây cáp, dây thừng, dây xích, can đựng xăng…để phục vụ cho việc khai thác lâm sản.

Cơ quan chức năng cũng nhận định có khoảng 5-10 đối tượng, có thể thuộc nhiều nhóm khác nhau, là người địa phương thuộc các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana).

Cơ quan điều tra cũng xác định vụ việc có dấu hiệu của tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự.

Vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk.

Hiện cơ quan chức năng đang khoanh vùng, sàng lọc, triệu tập các đối tượng nghi vấn có liên quan đến hoạt động khai thác lâm sản trái phép tại rừng đặc dụng Nam Kar để đấu tranh, tiến hành thu thập tang vật, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ai đã “bán” rừng cho “lâm tặc”?

Trước vấn nạn phá rừng tại vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, sau khi Thương hiệu và Pháp luật điện tử thông tin, rất nhiều phản hồi từ bạn đọc trên cả nước đã gửi về cho tác giả thực hiện loạt bài viết. Rất nhiều ý kiến cho rằng, để tình trạng phá rừng trong vùng lõi khu Bảo tồn thiên Nam Kar xảy ra nghiêm trọng và trong thời gian dài có thể có sự “móc ngoặc”, “tiếp tay” của đơn vị quản lý rừng.

Ai đã “bán” rừng cho “lâm tặc”? (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Vậy, ai đã “bán” rừng cho “lâm tặc”? Câu trả lời này có thể phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, nhưng điều mà chúng tôi cảm thấy bất ngờ là trong buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Nhật-Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar. Ông Nhật, khẳng định chắc nịch: “Công tác bảo vệ rừng là thường xuyên, liên tục. Từng tuần, từng tháng, từng năm xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét. Một mặt nữa là các trạm ở các địa bàn xây dựng kế hoạch tuần tra dưới đó. Nói chung, công tác bảo vệ rừng năm 2019 anh em làm tốt, anh em cũng rất cố gắng".

 "Bọn anh (tức Ban quản lý rừng-PV) đi kiểm tra nhiều lắm, vấn đề kiểm tra rừng hàng tháng anh có báo cáo hết. Tuần tra 1 tháng là phải 100 lần trở lên, chứ không phải là bao nhiêu lần đâu. Các trạm phải xây dựng kế hoạch thường xuyên, báo cáo với cơ quan và triển khai kế hoạch đó. Trong tháng vừa rồi thì không xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn quản lý”, ông Nhật cho biết thêm.

Rất nhiều cây đại cổ thụ, được thiên nhiên, tạo hóa hun đúc qua hàng trăm năm đã bị các đối tượng nhảy vào “xâu xé” đầy bất minh như một miếng bánh béo bở. Cán bộ nào đã bán rẻ lương tâm để sấp mặt vào những đồng tiền bất chính thì rồi sẽ bị bại lộ. Nhưng có thể… chưa phải là hôm nay.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Hàn Hưng- Trần Nhật

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu