22:59 ngày 27/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

VSETGroup: Bẫy đầu tư hứa hẹn lãi suất khủng mang tên "hợp đồng hợp tác kinh doanh"?

MAI ANH | 13:53 14/03/2022

(THPL) - Chỉ vài ngày sau khi có quyết định xử phạt về hành vi trái pháp luật - bán “chui” trái phiếu, VSETGroup nhanh chóng “quay xe”, khoác lên mình một chiếc áo huy động vốn mới từ nhà đầu tư với cái tên mỹ miều “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với lãi suất “khủng” lên tới 12% - 18,8%/ năm, cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác. Đây có phải là chiêu “lách luật” trước cơ quan chức năng và “chiếc bẫy” mới chờ đợi các nhà đầu tư?

Tham vọng lớn nhưng kèm theo nhiều sai phạm

Công ty Cổ Phần Tập đoàn VSETGroup thành lập từ năm 2014, trụ sở chính tại 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, tiền thân là Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông VsetCom có vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng. 

Kể từ năm 2018 trở lại đây, VSETGroup tỏ ra "khát vốn" khi liên tục triển khai chào bán trái phiếu trên các phương tiện truyền thông để doanh nghiệp có nguồn lực lấn sân sang các mảng kinh doanh mới, với tham vọng lớn trở thành tập đoàn đa ngành nghề. 

Song, trên con đường tiến tới mục đích, VSETGroup lại để xảy ra vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán. Minh chứng điển hình nhất là vào ngày 30/11/2021 vừa qua, VSETGroup bị Uỷ ban Chứng khoán tuýt còi, phạt 600 triệu đồng vì phát hành trái phiếu “chui”, không nộp hồ sơ đăng ký theo quy định và buộc VSETGroup phải thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có), cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng.

“Bình cũ rượu mới” hợp thức hóa sai phạm?

Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi có quyết định xử phạt cho hành vi trái pháp luật này, ngay từ tháng 12/2021, VSETGroup nhanh chóng “quay xe”, khoác lên mình một chiếc áo huy động vốn mới từ nhà đầu tư với cái tên mỹ miều “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với lãi suất “khủng” lên tới 12% - 18,8%/ năm (kèm thưởng) cùng hạng mức đầu tư từ 5 triệu đồng tới 1 tỷ đồng. Ai đầu tư vào gói càng nhiều tiền thì được hưởng số tiền thưởng càng lớn và kèm theo những ưu đãi hấp dẫn, nhà đầu tư có thể lựa chọn trả tiền lãi theo tháng, theo quý hoặc trả theo năm. 

Bảng lãi suất cực khủng được VSETGroup mời chào

Theo đó, ví dụ nhà đầu tư lựa chọn hạn mức 100.000.000đ thì sau một năm sẽ tổng nhận 116.800.000đ bao gồm tiền gốc, 12% tiền lãi và 4,8% tiền thưởng năm. Được biết, mức lãi suất các ngân hàng tại Việt Nam đang trả cho khách hàng giao động từ 4,85% - 7%/ năm, điều này đồng nghĩa với việc VSETGroup chấp nhận trả cho “các đối tác” của mình lãi suất gấp 2, 3 thậm chí là gấp 4 lần lãi suất của các ngân hàng trong nước.

Để tìm hiểu bản chất phía sau “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của VSETGroup là gì, phóng viên của Thương hiệu Pháp luật đã vào vai một nhà đầu tư có nhu cầu tham gia gói đầu tư, hợp tác hưởng lãi suất của VSET. Qua lời mời của nhân viên tư vấn, phóng viên (PV) có mặt tại chi nhánh miền Bắc VSETGroup - tầng 12 tòa nhà Việt Hàn Tower, số 203 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội để nghe nhân viên tư vấn trực tiếp.

Sự thật về bản “Hợp đồng hợp tác kinh doanh”

Tại đây, PV gặp người đàn ông tên T.H, người tự xưng là trưởng phòng kinh doanh chi nhánh Hà Nội của công ty chia sẻ về các hoạt động, dự án đang và sẽ triển khai trong tương lai của công ty, những viễn cảnh tươi đẹp với những lợi nhuận, ưu đãi “trong mơ” dần dần mở ra trước mắt nhà đầu tư.

Những bản hợp đồng hợp tác kinh doanh của VSETGroup với nhà đầu tư

Khi được hỏi “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” có gì khác biệt so với “Hợp đồng mua bán trái phiếu” được công ty quảng bá chỉ thời gian ngắn trước đó, ông T.H cũng khẳng định: “Hình thức phát hành trái phiếu và hình thức ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh mới của công ty là giống nhau, không có khác biệt gì cả. Nhưng để hợp thức theo luật pháp, vì không thể phát hành trái phiếu nên chuyển sang hình thức hợp tác kinh doanh mới. Lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng không khác gì so với việc phát hành trái phiếu trước đó, ngoài ra được đảm bảo, quy đổi bằng cổ phần của ông Trương Ngọc Anh (Chủ tịch HĐQT VSETGroup)”. “Hình thức này (hình thức ký kết hợp tác kinh doanh - PV) mới triển khai từ cuối tháng 11 trước hết đến hết tháng 12/2021, có khả năng sang năm mới sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu”. 

Vậy, liệu có hay không việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của VSETGroup thực chất chỉ là “bình cũ rượu mới”, một hình thức để “lách luật” trước cơ quan chức năng với mục đích huy động vốn từ nhà đầu tư? Hình thức đầu tư hợp tác kinh doanh hưởng lãi suất cao này đã được công ty VSET báo cáo với các cơ quan chức năng chưa và các cơ quan chức năng đã phê duyệt, cấp phép cho hình thức huy động vốn này hay chưa?

Cũng tại đây, sau nhiều lần “ngỏ lời”, PV cũng được “mục sở thị” những bản hợp đồng “tươi” vừa được VSETGroup ký kết với người đầu tư. Gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhưng trên thực tế, theo bản hợp đồng này ghi rõ, “Bên A (khách hàng) góp vốn để bên B (VSETGroup) tiến hành hoạt động kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận cho cả hai bên. Bên B thực hiện việc góp vốn kinh doanh bằng toàn bộ quyền quản trị, điều hành, bí quyết kinh doanh, phương án kinh doanh và các quyền khác phục vụ cho việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo thỏa thuận của hai bên. Việc góp vốn của bên B được thực hiện tùy theo tiến độ tiến hành hoạt động kinh doanh của Bên B”.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh với giá trị đầu tư lên tới 1 tỷ đồng

Như vậy, khi khách hàng ký vào hợp đồng này, đồng nghĩa với việc, VSETGroup được toàn quyền sử dụng vốn của người đầu tư trong các hoạt động kinh doanh của mình, nhà đầu tư sẽ không can thiệp và/hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý, điều hành, giám sát công việc kinh doanh của Công ty. Số vốn đó sẽ được Công ty toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm quản lý. 

Rủi ro “rình rập” nhà đầu tư

Với những mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh không nêu rõ được việc hợp tác xây dựng kinh doanh ở địa chỉ nào, dự án ở đâu?... sẽ rất khó xác định được số tiền hợp tác, góp vốn của nhà đầu tư sẽ được công ty sử dụng vốn đổ vào đâu, hợp pháp hay không, hay cơ sở kinh doanh đó có thật sự thuộc quyền sở hữu của những công ty này hay không?

Đáng nói, việc lách qua hình thức hợp tác đầu tư vào các hệ thống, nhà hàng và các dự án trên giấy, trên môi, chưa biết “mặt mũi” như thế nào là hết sức rủi ro, đặc biệt là với những dự án mới chỉ trong giai đoạn dự kiến, định hướng,..Một dự án đầu tư phải có những phân tích cụ thể về các mức độ rủi ro, về thị trường, báo cáo tài chính nhưng ở đây không có, chỉ có những hứa hẹn về quyền lợi, về chia thưởng…

Tuy nhiên, có thưởng thì cũng có phạt, và có thể là phạt “khá nặng”. Những điều bất lợi gì sẽ xảy ra khi nhà đầu tư quyết định dừng hợp tác “giữa chừng” với công ty VSETGroup? Những điểm thiệt thòi mà nhà đầu tư vô tình phải nhận nếu đặt bút ký vào hợp đồng thỏa thuận này? Những trái phiếu buộc phải thu hồi trước đó và số tiền mua trái phiếu mà VSETGroup phải hoàn trả cho nhà đầu tư đã được công ty này xử lý ra sao? Tất cả thông tin sẽ được phóng viên Thương hiệu & Pháp luật thông tin tiếp tới bạn đọc ở những bài viết tiếp theo.

Để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, kính đề nghị UBCKNN, các Sở, Ban, Ngành liên quan sớm vào cuộc, xác minh, làm rõ các giao dịch này để đảm bảo minh bạch trong hoạt động kinh doanh, cũng như đảm bảo quyền lợi của những người dân đã tham gia góp tiền, tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra.

MAI ANH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu