03:58 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vietnam Airlines muốn tăng thêm vốn, dự kiến bán gần 30 tàu bay

Phương Linh (tổng hợp) | 15:31 14/12/2021

(THPL) - Do dư thừa máy bay, Vietnam Airlines đang lên kế hoạch bán 15 chiếc trong tháng này và 12 chiếc trong 2 năm tới.

Đó là một trong những nội dung được lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) đưa ra lấy ý kiến cổ đông tại phiên họp bất thường diễn ra sáng 14/12.

Nội dung chính của phiên họp bất thường này là để bàn về các vấn đề định hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025, thông qua việc thay đổi ngành nghề kinh doanh và kiện toàn HĐQT, Ban kiểm soát của hãng.

Báo VTC News đưa tin, theo tờ trình định hướng tái cơ cấu tổng công ty, Vietnam Airlines cho biết dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng, làm tiềm lực tài chính của công ty mẹ bị suy giảm, các cân đối tài chính bị thay đổi đột ngột theo hướng tiêu cực.

Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cùng thay đổi trong hoạt động kinh doanh khiến Vietnam Airlines buộc phải thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt trong nguồn vốn doanh nghiệp.

Vietnam Airlines muốn tăng thêm vốn, sẽ bán gần 30 tàu bay. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines dự kiến tái cơ cấu nguồn vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo nguồn vốn hợp lý, phù hợp với quy mô kinh doanh, thích nghi với tình hình mới và tăng tiềm lực tài chính của hãng. 

Với các khoản nợ vay dài hạn hiện có, Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu theo hướng giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau để giảm áp lực trả nợ ngắn hạn. Với danh mục đầu tư, Vietnam Airlines dự kiến tái cơ cấu tại cả công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, tại các doanh nghiệp thành viên, hãng sẽ xem xét chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành.

Theo báo VnExpress, để chuẩn bị cho việc bay quốc tế trở lại sắp tới, Vietnam Airlines vẫn đang làm việc rất sát với Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải, ngành du lịch. Hãng này xác định các thị trường quan trọng để mở đường bay là Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng xem xét báo cáo để mở thêm đường bay từ Mỹ, châu Âu bởi lượng người Việt học tập, làm việc có nhu cầu về quê ăn Tết rất lớn.

Tại cuộc họp, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ của doanh nghiệp này. Phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả lĩnh vực, gồm 7 nhóm giải pháp.

Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu...

Về phương án phát hành trái phiếu, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, hãng bay này đang làm việc với các công ty tư vấn để tính toán phương án phát hành trái phiếu ra công chúng hay riêng lẻ, trong nước hay quốc tế. Ông Hiền cho biết hiện vẫn chưa chốt phương án cuối cùng, nhưng định hướng là phát hành giúp Vietnam Airlines có nguồn vốn ổn định, với thời gian đủ dài.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Vietnam Airlines cũng triển khai tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian và tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp thông qua đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Chủ tịch Vietnam Airlines, Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh, trong tái cơ cấu, thì tái cơ cấu nội bộ doanh nghiệp là quan trọng nhất, giảm trung gian để doanh nghiệp ra quyết định nhanh hơn. Theo ông Hoà, Vietnam Airlines đã tinh giản được 70 phòng, ban, giúp cắt giảm 600 tỷ đồng chi phí. Với kế hoạch thoái vốn, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết kiên quyết thoái vốn tại những công ty không hiệu quả, nhằm tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã chào bán thành công hơn 796,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và thu về hơn 7.961 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ. Theo kế hoạch, việc chuyển giao cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông đã thực hiện thành công quyền mua sẽ được thực hiện trong quý IV năm nay.

Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của hãng đã tăng lên 22.143 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD quy đổi). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn nhất là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nắm 55,2%, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC nắm 31,14% và Tập đoàn ANA sở hữu 5,62%.

Ngoài nguồn vốn, hãng hàng không này cũng dự kiến tái cơ cấu đội bay thông qua việc đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán tiền thuê, giảm tiền thuê gắn liền với việc gia hạn thời gian thuê, đàm phán đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới. Thậm chí, hãng cho biết sẽ hủy một số hợp đồng tàu bay chưa nhận.

Vietnam Airlines cũng dự kiến tái cơ cấu tài sản thông qua thực hiện thanh lý các tàu bay cũ, thực hiện bán và thuê lại máy bay để đổi mới đội tàu bay thân hẹp, đảm bảo nguồn lực máy bay đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh, trên cơ sở cân đối các nguồn vốn huy động.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu