02:43 ngày 10/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Á - Phi

11:27 18/08/2022

(THPL) – Vai trò xúc tiến thị trường của các tham tán thương mại là rất quan trọng, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của nước ta đang có cơ hội rất lớn tại thị trường Á - Phi.

Khu vực Tây Á đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng nông sản nói riêng sang thị trường này còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo VTV News, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường Saudi Arabia đã tăng 395%. Cơ quan quản lý dược phẩm, thực phẩm của Saudi Arabia cũng đã cấp phép cho 38 doanh nghiệp được xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam sang thị trường này. Các sản phẩm như: gạo, hạt điều, cá ngừ đóng hộp... là các sản phẩm nông sản được ưa thích tại đây.

Ông Trần Trọng Kim, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Saudi Arabia, cho biết: "Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm riêng của mình để khẳng định được tên tuổi, vị trí tại thị trường. Các sản phẩm cũng cần phải có chứng nhận HALAL".

Không chỉ Tây Á, việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mở rộng cả sang các thị trường Nam Thái Bình Dương.

Tại Australia, các sản phẩm nông sản tươi được nhập khẩu từ Việt Nam đang có chính sách thông quan rất nhanh. Hàng chục tấn nhãn vừa được xuất sang thị trường Australia thành công.

Mở rộng thị trường sang Đông Âu, Trung Đông và Nam Mỹ, thông qua các FTA và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng đang được nỗ lực thực hiện để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước ở thời điểm hiện tại.

Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Á - Phi. Ảnh minh hoạ

Theo báo Công thương, trước đó ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Công tác thương vụ khu vực Châu Á - Châu Phi với sự tham dự của lãnh đạo các cục, vụ. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Diên đã đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh trong nước và thế giới gặp nhiều biến động.

Thứ nhất, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi sẽ chủ trì phối hợp với các Vụ, đơn vị có liên quan của Bộ để khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường ở khu vực Châu Á, Châu Phi. Theo đó, một mặt tiếp tục củng cố, duy trì tốc độ tăng trưởng ở các thị trường truyền thống. Mặt khác, đẩy mạnh khai thác các thị trường mà Việt Nam là thành viên thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương khu vực...

Thứ hai, tập trung nắm bắt các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, phân tích các chính sách đó để có khuyến nghị chính sách đối với trong nước thông qua Vụ Thị trường châu Á châu Phi. Các thị trường khác thì thông báo với Vụ thị trường của mình. Đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị phản ánh chính sách của Việt Nam để đảm bảo quyền lợi của đất nước mình thông qua việc khai thác hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký.

Thông qua việc khai thác các thị trường đó để chúng ta bán những mặt hàng có lợi thế tại nước ngoài. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền sản xuất của nhiều nước khó khăn, nhưng nhu cầu hàng hóa của các nước đó rất cao mà Việt Nam lại có khả năng cung ứng.

Thứ ba, tiếp tục nắm bắt diễn biến thị trường để kết nối cung cầu. Không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường của các nước sở tại thông báo về nhu cầu, quy cách, phẩm chất và những điều đáng lưu ý đối với doanh nghiệp, với hiệp hội ngành hàng, mà đồng thời trong nước cũng phải cung cấp cho các Thương vụ những thông tin về khả năng cung ứng sản phẩm hàng hóa ra các thị trường. Thông tin phải có hai chiều.

Thứ tư, hiện cả thế giới, trong đó có Việt Nam dự báo sẽ thiếu nguồn cung về nguyên liệu. Chúng ta là nền kinh tế có khả năng sản xuất để xuất khẩu rất lớn nhưng nguyên liệu đầu vào của những ngành có lợi thế thì đều đã và đang lệ thuộc vào thị trường nước ngoài. Trong tương lai, nếu Việt Nam không vươn lên làm chủ công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ thì sẽ bị động. Cho nên đây là lúc các Thương vụ ngoài nước kết hợp chặt chẽ với đơn vị trong nước để kết nối cung cầu trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất chế biến thành nguyên liệu đầu vào trong các ngành sản xuất ở trong nước. Không chỉ là tương tác môi giới để bán hàng mà còn tương tác kết nối nguồn cung để có được nguồn cung đa dạng, ổn định nguyên vật liệu phục vụ cho các nền sản xuất trong nước. Chính nguyên vật liệu ấy lại quay trở lại đáp ứng các nhu cầu sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cho các nước sở tại.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho rằng chế độ thông tin thị trường là vô cùng quan trọng. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tất cả các Thương vụ khẩn trương củng cố, nơi nào còn khó khăn, vướng mắc thì liên hệ với Cục Xúc tiến thương mại. Vụ trưởng Thị trường châu Á, châu Phi sẽ phải làm việc với Cục Xúc tiến thương mại như đã yêu cầu ngay từ đầu năm. Đến hết tháng 9 này, tất cả các Thương vụ đều phải có ít nhất một phòng trưng bày sản phẩm để giới thiệu sản phẩm từ trong nước gửi sang. Kinh phí lấy từ một phần của kinh phí Xúc tiến thương mại. Phải làm sao đến hết tháng 9 phải có được phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm để nhà đầu tư có thể tiếp cận hàng hóa trên thực tế.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu