04:37 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt cần có chiến lược lâu dài để giữ vững thị trường xuất khẩu

11:28 16/08/2022

(THPL) - Thời gian qua, việc Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nông sản tiếp cận cũng như thâm nhập vào các thị trường mới. Tuy nhiên, để có hướng đi cụ thể và bền vững thì doanh nghiệp Việt cần có chiến lược lâu dài.

Với quả nhãn, để đảm bảo chất lượng xuất khẩu thì không chỉ ngon mà phải an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong quy định cho phép. Để làm tốt việc này, các chủ vườn phải ghi chép nhật ký sử dụng thuốc và phân bón. Đặc biệt, những việc nhỏ như giữ vườn sạch sẽ hay chỗ để phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đúng yêu cầu nước nhập khẩu là điều kiện quan trọng.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cho biết: "Sang nước ngoài họ làm quy trình rất chặt, nếu bị trả về thì thiệt hại nền kinh tế lớn cho những nhà thương nhân của chúng ta". Ngoài ra, các cán bộ thuộc các chi cục bảo vệ thực vật tại địa phương cũng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra giám sát các hộ nông dân là những mã được xuất khẩu cho từng thị trường.

Anh Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Chi nhánh Gia Lai - CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị đầu tư, thiết bị máy móc phù hợp cho tiêu chuẩn chất lượng cho thị trường Trung Quốc. Chúng tôi phải đánh giá thị trường Trung Quốc là thị trường tiên tiến với tiêu chuẩn cao, không khác gì châu Âu và Nhật Bản".

Doanh nghiệp Việt cần có chiến lược lâu dài để giữ vững thị trường xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Việt Nam đã mất hàng chục năm để mở cửa cho một loại nông sản, nhưng để giữ được thị trường lại càng khó hơn. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trên thực tế đã có những lô hàng vi phạm, mà làm cả ngành hàng mất đi cơ hội xuất khẩu.

Phải mất nhiều năm để đàm phán đưa quả xoài tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, thế nhưng đã có lúc ngành hàng này bị tạm dừng xuất khẩu vào thị trường này, nguyên nhân do có một lô hàng của một doanh nghiệp vi phạm quy định của họ. Thiệt hại không chỉ doanh nghiệp và người trồng bị ảnh hưởng mà uy tín của cả ngành hàng này bị ảnh hưởng.

Báo VTV News đưa tin, ông Hoàng Trung, Cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT nói: "Muốn xuất khẩu một cách bền vững thì chúng ta phải có cách tiếp cận đầy đủ và bài bản, và phải xác định là đây là làm cho cả ngành hàng, doanh nghiệp muốn kết nối người dân và xuất khẩu bền vững thì phải làm đúng quy định".

Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo vai trò của các hiệp hội ngành hàng nâng cao hơn, tạo ra tiếng nói chung cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu

Ông Hoàng Trung cho biết thêm: "Doanh nghiệp phải có tiếng nói chung bảo vệ thương hiệu, thống nhất từ cách làm, từ giá bán". Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tăng cường ngày càng chặt mối liên kết với các hợp tác xã, người dân để đảm bảo ổn định chất lượng, giá cả và sản lượng cho từng thị trường.

Muốn xuất nhiều nông sản thì phải đa dạng thị trường, vậy khâu đầu tiên để đa dạng thị trường phải đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường. Như vậy theo nhiều chuyên gia, mở cửa thị trường là khâu then chốt trong việc thúc đẩy năng lực xuất khẩu nông sản Việt từ nay đến cuối năm.

Sau gần 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh. EU hiện trở thành thị trường lớn thứ 3 của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Song, thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về ATTP.

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, nhận định thị trường EU còn nhiều tiềm năng nhưng lại khó tính, có những quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ba trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng. Trong đó, thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh.

Không chỉ thị trường EU mà các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng nông lâm thủy sản nhập khẩu vào. Không những phải đảm bảo về chất lượng sản phầm mà bao bì, nhãn mác cũng được các nước chú trọng, như Trung Quốc với chính sách “Zero Covid” nên cơ quan hữu quan của nước này xét nghiệm cả SARS-CoV-2 trên bao bì.

Bởi vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khuyến cáo, để đi đường dài với các thị trường lớn mà “khó tính” như EU hay Mỹ thì điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp phải ưu tiên chất lượng đặt lên hàng đầu. Không những vậy, doanh nghiệp còn phải chú trọng xây dựng thương hiệu cho bản thân doanh nghiệp nói riêng và cho nông sản Việt nói chung.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu