05:20 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tận dụng cơ hội để tạo vị thế cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Minh Anh (t/h) | 17:27 30/03/2023

(THPL) - Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá.

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Mặc dù trải qua 3 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ngành điện tử vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu.

Theo thống kê, nửa đầu tháng 3/2023 có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 2,22 tỷ USD. Tiếp đến là điện thoại và linh kiện đạt 1,75 tỷ USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,57 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,23 tỷ USD.

Trước đó trong báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho biết, năm 2022, ngành điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu 114,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2021 và chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý, ngành điện tử Việt Nam hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti-vi, máy giặt, điện thoại, máy in…

Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, mầu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của ngành điện tử chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Việt Nam cần tận dụng cơ hội, tạo vị thế cho ngành công nghiệp điện tử. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, trong bối cảnh thị trường chung biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba, chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Ðây là cơ hội để ngành điện tử Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực vốn, kinh nghiệm quản trị cũng như trình độ sản xuất và công nghệ.

Trong diễn biến liên quan, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho hay, Hiệp hội cũng đã tiếp nhận nhiều yêu cầu kết nối với các đối tác Bắc Mỹ, đặc biệt ở Canada. Thông qua Đại sứ quán và Thương vụ đã hỗ trợ kết nối khá thành công với các đối tác Canada trong việc thiết lập một chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Hầu hết các đối tác không chỉ tìm kiếm doanh nghiệp đơn lẻ mà tìm theo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ kho hàng, logistic, bao bì, đóng gói, linh kiện điện tử. Gần đây, hãng Boeing cũng mong muốn thiết lập một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái sản xuất của Boieng Việt Nam. Điều này cho thấy năng lực cung ứng của doanh nghiệp nội địa đã ngày càng tăng lên và nhận được sự tin tưởng của nhiều tập đoàn tên tuổi của thế giới.

Để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công Thương cũng đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo một số chuyên gia, dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu tiếp tục duy trì đà tăng với tốc độ tăng cao như hiện nay thì trong tương lai không xa, nhóm hàng điện tử, máy vi tính và linh kiện trở thành nhóm hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu