10:31 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

VEPR dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 có thể đạt 3,8%

Phương Linh (tổng hợp) | 14:13 22/07/2020

(THPL) - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II và 6 tháng năm 2020, nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8% đối với kịch bản cơ sở (nhiều khả năng) và 2,2% với kịch bản bất lợi (ít khả năng).

Cụ thể, tại Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020 tổ chức vào sáng 21/7, PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý II/2020, đạt 0,36%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam tăng 1,81%.

"Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức", PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận định.

Trên cơ sở cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch.

VEPR dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 có thể đạt 3,8% (Ảnh minh họa)

Cụ thể, trong kịch bản thứ nhất, bệnh dịch không tái phát và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường, song bệnh dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng như du lịch, lưu trú tại Việt Nam. Bên cạnh đó, mức độ tác động của COVID-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn... Và do vậy, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%, theo báo VTV đưa tin.

Còn theo kịch bản thứ hai, bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế nhưng bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh. Các nước trên thế giới phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành phục vụ công nghiệp có khả năng bị thu hẹp… Ở kịch bản này, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%.

Theo Thời báo Kinh doanh thông tin, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định, khả năng cao, diễn biến nền kinh tế sẽ đi theo kịch bản 1, tức tăng trưởng GDP sẽ đạt 3,8% trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, song theo VEPR, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

“Đặc biệt, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp”, VEPR nhấn mạnh.

Trước đó, VEPR đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng: kịch bản lạc quan nhất, GDP có thể tăng khoảng 5%; kịch bản trung tính, GDP có thể tăng khoảng 3% - 4%; kịch bản bi quan, tăng trưởng chỉ khoảng 1% - 2%.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu