15:44 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tử vong khi nâng ngực tại BV thẩm mỹ EMCAS: Bác sĩ Đinh Viết Hưng giả mạo giấy tờ hành nghề?

13:46 02/11/2019

(THPL) - Sở Y tế Đồng Nai xác định chưa tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề mang tên Đinh Viết Hưng.

Bác sĩ phẫu thuật dùng chứng chỉ giả

Sau sự cố ca phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (Q.10, TP.HCM) làm khách hàng tử vong ngày 17.10, ngày 22/10/2019, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản số 1572/Ttra đề nghị Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai xác minh thông tin người hành nghề.

Theo đó, xác minh quyết định số 009047 ngày 20.4.2017 của Sở Y tế Đồng Nai về việc điều chỉnh bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh đối với người hành nghề (cụ thể là quyết định được cấp cho ông Đinh Viết Hưng, 44 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM), lĩnh vực cấp là khám chữa bệnh chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ.

Sau đó, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có công văn gởi Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Qua kiểm tra rà soát hồ sơ của các cá nhân xin cấp chứng chì hành nghề; xin cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh tại Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế, kết quả không có hồ sơ tên Đinh Viết Hưng. Như vậy Sở Y tế Đồng Nai chưa tiếp nhận và xử lý hồ sơ mang tên Đinh Viết Hưng.

Để xảy ra loạt sự cố nghiêm trọng, bệnh viện Emcas gây mất niềm tin đối với khách hàng.

Đối với Quyết định số 009047 ngày 20.4.2017 của Sở Y tế Đồng Nai cấp cho ông Đinh Viết Hưng, đây là quyết định giả mạo Sở Y tế Đồng Nai. Sự giả mạo thể hiện như sau:

Cụ thể, số được cấp trong quyết định cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn (số 009047) được lấy y nguyên số quyết định đã được Sở Y tế TP.HCM cấp trong chứng chỉ hành nghề cho ông Đinh Viết Hưng (số chứng chỉ 009047/HCM-CCHN). Việc cấp số trong quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề của Sở Y tế Đồng Nai được cấp số quyết định riêng, không trùng với số cấp trong chứng chỉ hành nghề.

Ngoài ra, tại mục “xét đề nghị của Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai” tại thời điểm như trong quyết định (ngày 20/4/2017), việc thẩm định xét hồ sơ của Sở Y tế Đồng Nai được giao cho Trưởng phòng Quản lý hành nghề, chứ không phải Trưởng phòng Nghiệp vụ như trong quyết định. Bởi đến tháng 5/2019, Sở Y tế Đồng Nai mới tiến hành sáp nhập các phòng chuyên môn nghiệp vụ của sở thành Phòng Nghiệp vụ.

Trong việc soạn thảo và ban hành văn bản, Sở Y tế Đồng Nai cũng quy định trong tất cả các văn bản của các phòng ban chuyên môn của sở, trước khi trình giám đốc sở ký phải có chữ ký nháy của trưởng phòng ở dòng cuối cùng của văn bản. Tuy nhiên, trong bản quyết định “giả” hoàn toàn không có chữ ký nháy của Trưởng phòng Quản lý hành nghề vào thời điểm như trong quyết định.

Còn con dấu và chữ ký của bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai lúc bấy giờ) cũng hoàn toàn giả mạo. Trước tình hình này, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM có biện pháp xử lý đối với đối tượng có hành vi giả mạo theo đúng quy định.

Ngày 2.11, trả lời PV Thương Hiệu và Pháp Luật, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng  - người phát ngôn Sở Y tế TP.HCM, cho biết Thanh tra Sở đang phối hợp với Công an TP .HCM tiếp tục xác minh vụ việc bác sĩ Đinh Viết Hưng sử dụng giấy tờ giả này.

Sở Y tế Đồng Nai xác định chưa tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề mang tên Đinh Viết Hưng

Trách nhiệm hình sự về vi phạm mua, bán, sử dụng bằng giả

Để giải đáp những thắc mắc trên, phóng viên Thương Hiệu và Pháp Luật đã có buổi trao đổi và ghi nhận lại ý kiến Luật sư Trần Minh Hùng- Văn Phòng Luật Sư gia đình – Đoàn Luật sư TP.HCM.

Luật sư Trần Minh Hùng cho biết: theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật như sau:

- Đối với cán bộ: Cán bộ bị Tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

- Đối với công chức, viên chức: Công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức Buộc thôi việc.

Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bản, chứng chỉ. Trong đó, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng.

Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa, mức phạt từ 02 triệu đồng - 08 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng bằng giả còn bị tịch thu bằng giả đã sử dụng.

Trong trường hợp việc mua bán văn bằng, chứng chỉ đủ yếu tố cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sư 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, mức phạt đối với người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… thì mức phạt cao nhất là 07 năm tù.

Ngoài việc bị xử lý với hình phạt chính như trên, người phạm tội có thể bị phạt bổ sung với hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Thực tế này đặt ra câu hỏi về lỗ hỏng quản lý trong lĩnh vực y tế vừa sửa dụng bằng cấp giả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiệm trọng

Nhóm phóng viên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu