09:21 ngày 01/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Từ ngày 1/7, công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước

06:16 29/06/2024

(THPL) - Từ ngày 1/7/2024, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai việc cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi.

Ngày 28/6, theo thông tin từ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), lực lượng chức năng đã sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo sẵn sàng thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024.

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đến ngày 1/7/2024 bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Từ ngày 1/7, công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước. Ảnh minh hoạ

Luật Căn cước có 10 điểm mới. Những điểm mới quan trọng của Luật là việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; Mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 01/7/2024...

Theo đại diện C06, thẻ căn cước mới có giá trị tương đương như thẻ CCCD. Tuy nhiên, đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.

Bộ Công an có đủ nguồn nhân lực, phương tiện, kinh nghiệm để có thể đáp ứng được nhu cầu tối đa của người dân khi có yêu cầu được cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.

Để thực hiện hiệu quả việc cấp thẻ Căn cước, ngoài việc bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị, Bộ Công an đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, có kế hoạch triển khai cụ thể, hoàn thiện các phần mềm, hệ thống, tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị và chính quyền địa phương.

"Với kinh nghiệm đã triển khai thành công chiến dịch cấp thẻ Căn cước công dân thì Bộ Công an hoàn toàn chủ động và tin tưởng cũng sẽ triển khai thành công việc cấp thẻ Căn cước", đại diện C06 cho biết.

Theo quy định tại Luật Căn cước, một trong những nội dung đáng chú ý là việc thu thập thông tin sinh trắc học như ADN, mống mắt, giọng nói. Thông tin sinh trắc học mống mắt được quy định tại điểm b khoản 1, điều 23, Luật Căn cước đã nêu rõ: "Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước". Như vậy, quy trình thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, điểm d khoản 1, điều 16, Luật Căn cước quy định, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập. Sau đó chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu