05:22 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

TS. Nhà báo Lê Ngọc Dũng: Sự nỗ lực của những nghệ nhân gắn bó với nghề luôn được đền đáp xứng đáng

15:49 25/01/2023

(THPL) - "Bão" dịch COVID-19 tạm lắng, song tình hình kinh tế trong nước cũng chưa thể khắc phục hoàn toàn những tàn phá nặng nề. Thay đổi để tạo ra những giá trị mới là tính hai mặt, giúp doanh nghiệp, doanh nhân đột phá trong bối cảnh khó khăn hiện nay. TS. Nhà báo Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam chia sẻ với TCĐT Thương hiệu và Pháp luật về nội dung này.

PV: Dịch COVID -19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân vừa và nhỏ. Để vượt qua thử thách này, chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng phải chăng là những yếu tố tất yếu, thưa ông?

TS. Nhà báo Lê Ngọc Dũng: Trong đợt dịch COVID-19, số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc tăng cao khó lường, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn cũng không tránh khỏi thu hẹp sản xuất. Nguyên nhân rất rõ ràng, không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn tiền ứ đọng... dẫn đến doanh thu giảm mạnh, nhiều lao động nghỉ việc. Đến nay, tuy có chút cải thiện từ giữa năm, song phần lớn vẫn lao đao, khốn đốn.

TS. Nhà báo Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam 

Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID - 19. Các lĩnh vực như dệt may, làng nghề truyền thông, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch... bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tất nhiên, những thành viên của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý cũng không tránh khỏi “thảm họa” ấy. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Nhiều thành viên Hội phải chuyển đổi mô hình sản xuất, tính lại đầu ra. Tôi có thể dùng cụm từ sau để diễn giải những thách thức mà các thành viên đang phải đương đầu. Đó là “thập phần khó khăn”, vừa phải tạm ngưng các hoạt động kinh doanh không tạo ra doanh thu, vừa phải giải quyết rất nhiều chi phí, nguồn tiền dự trữ, tiền lương và chế độ cho người lao động. Đó là chưa kể cả nguồn tiền từ đối tác hay ngân hàng luôn có tâm lý dè chừng về khả năng thanh toán... Tất cả dồn nén trong vòng đại dịch. Sự tồn tại hay không tồn tại, ranh giới đó thật mỏng manh.

PV: Thưa ông, có câu nói rằng đại dịch COVID - mặt đối lập lại là “phép thử” hữu hiệu cân lượng nội tại của doanh nghiệp, doanh nhân. Sự mở cửa và trỗi dậy cũng chính là thời điểm mở ra nhiều cơ hội, để các ý tưởng, dự án biết nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường?

TS Nhà báo Lê Ngọc Dũng: Đúng vậy. Tôi có gặp gỡ nhiều chuyên gia kinh tế và đều có chung một nhận định, trong gian khó, là cơ hội, bàn đạp để các doanh nghiệp doanh nhân linh động đột phá. Doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp truyền thống, khởi nghiệp từ khó khăn đã ý thức hơn nữa trong chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này.

Một báo cáo mới đây cho thấy, trong quý 1/2022 có 60.178 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,5 lần so với trung bình quý 1 giai đoạn từ năm 2017-2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1/2022 là 34.590 doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong quý 1 từ trước đến nay.

Những con số trên thật ấn tượng phải không? Điều này đã minh chứng sự thể hiện nỗ lực và tinh thần quật khởi của cộng đồng doanh nghiệp đồng thời cho thấy, nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện. Tất nhiên, những thành viên của Hội cũng góp phần không nhỏ trong thành công chung ấy. Nhiều giá trị đích thực tồn tại và phát triển, thể hiện sức sống, niềm tin mới.

Lễ trao tặng các danh hiệu cao quý: Nghệ nhân quốc gia, nghệ nhân bàn tay vàng... cho các nghệ nhân xuất sắc trên toàn quốc

PV: Phải chăng đó là những giá trị được công nhận bởi các danh hiệu cao quý cấp nhà nước, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và nhiều giải thưởng khác đã đạt được của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam, thưa ông?

TS Nhà báo Lê Ngọc Dũng: Như tôi đã trao đổi, đại dịch COVID và những biến động khôn lường của chính trị, thiên tai trên thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các phân khúc của nền kinh tế trong nước. Nghệ nhân nói chung và nghệ nhân kim hoàn nói riêng cũng chịu tác động không nhỏ từ những thảm họa ấy. Nhiều nghệ nhân đã biến mất trong dòng chảy lịch sử. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đối với nghệ nhân, là điều không thể tránh khỏi.

Song, thời nào cũng vậy, luôn là sự vực dậy của những nghệ nhân biết gắn bó với nghề, coi các tác phẩm tạo dựng là “nghiệp đời”.

Trong thời gian qua, tôi đã biết đến nhiều nghệ nhân giảm ăn, giảm tiêu, bỏ ra biết bao tâm huyết và công sức để tạo ra các tác phẩm để đời. Họ, đôi khi là tính ích kỷ, nhiều phần là sự cố chấp, miệt mài tìm kiếm những giá trị vượt thời gian. Nhiều nghệ nhân từ gian khó đã được biết đến, trở nên thêm nổi tiếng và nhận được nhiều danh hiệu cao quý cấp nhà nước, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và nhiều giải thưởng khác của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam.

TS. Lê Ngọc Dũng - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Nữ hoàng Trang sức Việt Nam 2022 tặng hoa và chúc mừng Nữ hoàng trang sức Việt Nam năm 2022

PV: Và chắc chắn không thể không nhắc đến một trong những thành công nữa của Hội, là đã tổ chức thành công Cuộc thi cuộc thi Nữ hoàng Trang sức Việt Nam 2022 (Miss Queen Jewelry Viet Nam 2022), một sân chơi văn hóa đỉnh cao, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với trí tuệ bàn tay Vàng của các nghệ nhân kim hoàn Việt Nam, thưa ông?

TS Nhà báo Lê Ngọc Dũng: Vâng. Trang sức luôn là nguồn cảm hứng cho nghệ nhân kim hoàn chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật xuyên suốt dòng chảy lịch sử của nhiều nền văn hóa. Những tác phẩm trang sức được ví đại diện cho tình yêu, vẻ đẹp ngọt ngào, sự quyến rũ, những cá tính riêng biệt, đặc biệt tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Đây cũng là ý nghĩa xuyên suốt 20 năm qua, từ khi Cuộc thi Nữ hoàng trang sức được khởi xướng.

Tôi cho rằng, bây giờ trang sức đã vượt xa giá trị tiền tệ của trang sức, mà sở hữu vượt bậc những giá trị tình cảm, con người. Nhiều bộ trang sức vô giá trường tồn theo năm tháng, không phải bởi vàng bạc, kim cương tạo hình, mà là sản phẩm của người tạo ra nó hay người đã đeo nó. Trang sức chỉ được thổi hồn khi gắn liền với khí chất của người phụ nữ, đó là sự lưu giữ của thời gian.

Trải qua hơn 20 năm, nhiều thế hệ người đẹp, với hàng trăm bộ trang sức lộng lẫy và tinh xảo, đã có vị thế riêng của mình. Tôi cho rằng, thành công của cuộc thi Nữ hoàng Trang sức Việt Nam 2022 (Miss Queen Jewelry Viet Nam 2022), đã thể hiện chiều sâu nhất tâm ý của nghệ nhân kim hoàn trong thời buổi đặc biệt hiện nay. Những người phụ nữ đẹp sẽ không chỉ đơn thuần mang trên mình những bộ trang sức đẹp đẽ và lộng lẫy, mà là sự khát vọng cùng cực của nghệ nhân trên chặng đường cống hiến. Giá trị ấy sẽ nhân thêm vẻ đẹp từ một đêm Chung kết đáng nhớ nhất.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Tuấn Việt (thực hiện)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu