22:58 ngày 09/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia khuyến cáo về tiêu chuẩn xanh với ngành dệt

15:55 24/07/2024

(THPL) - Doanh nghiệp ngành dệt cần bám sát thị trường, khách hàng để có chiến lược phù hợp, bài bản trong chuyển đổi xanh, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Xanh hóa là xu thế trung và dài hạn trên thế giới, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến trách nhiệm chung bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Những yêu cầu định tính về xanh hóa đang được định lượng cụ thể hoá qua các chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhất là thuế, chính sách thuế xử lý chất thải, khí thải…ở các thị trường Mỹ và EU.

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động và đang có đà tăng trưởng tốt. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%, chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch của Việt Nam sang thị trường này.

Trong nửa đầu năm 2024, có 6 thị trường trong khối EU đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trở lên bao gồm: Tây Ban Nha đạt gần 252,35 triệu USD, Bỉ đạt gần 206,17 triệu USD, tăng 6,75%, Pháp đạt 206,01 triệu USD, tăng 3,3%, Italia đạt gần 159,29 triệu USD, tăng 1,63%, Đức 363,65 triệu USD... Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang EU nửa cuối năm 2024 sẽ phục hồi rõ nét hơn khi vào mùa nghỉ lễ Giáng sinh và Tết dương lịch.

Thị phần hàng dệt may tại EU vẫn còn dư địa mở rộng. Ảnh minh hoạ

EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, so với các thị trường khác, xuất khẩu hàng dệt may sang EU của Việt Nam phục hồi chậm hơn. Nguyên do, nền kinh tế của EU dù đã khởi sắc nhưng vẫn rất khó khăn.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng Công nghiệp – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một số chính sách xanh và phát triển bền vững của EU có khả năng tác động đến xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU trong dài hạn.

Đầu tiên là Chiến lược Thỏa thuận Xanh EU, liên quan đến ngành dệt may, theo bà Hiền, gồm có: Chiến lược ngành dệt may tuần hoàn và bền vững tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đề xuất mới hoặc sửa đối các quy định, chỉ thị, hướng dẫn có liên quan đến ngành dệt may. Đáng chú ý là: Quy định về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững và Chỉ thị về rác thải, Chương trình hướng dẫn Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, việc EU ngày càng mở rộng thêm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với ngành dệt may sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm xã hội, môi trường… Trong khi đó, năng lực doanh nghiệp, điều kiện sản xuất của Việt Nam còn hạn chế, việc chuyển đổi mô hình sản xuất cần công nghệ và nguồn vốn lớn.

Trước tình hình trên, bà Trịnh Thị Thu Hiền đề xuất một số giải pháp như: Tích cực vận động chính sách đối với EU, hạn chế tối đa rào cản tiếp cận thị trường, tránh tạo thêm gánh nặng về hành chính và chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu.

Yêu cầu EU tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin để làm rõ các yêu cầu kỹ thuật chi tiết và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp đối với từng nước đối tác, trên cơ sở tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước và hỗ trợ hướng dẫn các bước cụ thể cho doanh nghiệp để đáp ứng các quy định mới.

Về phía doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, nhanh chóng xây dựng kế hoạch điều chỉnh sản xuất và xuất khẩu bài bản để kịp thời thích ứng với các yêu cầu, quy định mới, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.

Cũng liên quan đến xanh hoá ngành dệt, theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF)-Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thực tế, doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều áp lực và động lực “xanh hóa”, tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên:

Thứ nhất, xu hướng phải “xanh hóa” quy trình sản xuất theo yêu cầu từ nhà mua hàng để giữ được đơn hàng. Hiện nay, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp.

Cụ thể, theo kết quả điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của tập đoàn McKinsey hồi tháng 4/2020, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn và trung hạn. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.

Thứ hai, “xanh hóa” giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh;

Thứ ba, những doanh nghiệp tham gia xanh hóa và kinh tế tuần hoàn sẽ được Nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi...giúp và tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho toàn xã hội. Ngành Dệt May nằm trong số 20 ngành kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018. Vì vậy, ngành Dệt May cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, BVMT, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật BVMT, làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.

Xanh hóa ngành dệt may không chỉ là vấn đề công nghệ. Xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội. Sự chuyển đổi xanh ngành dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.    

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường, đồng thời, mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu