02:00 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu Việt và bài toán giữ thị phần trên sân nhà

Tú Anh (t/h) | 08:33 20/04/2023

(THPL) – Theo nhận định của một số chuyên gia, để giữ vững được lợi thế trên sân nhà, doanh nghiệp trong nước cần làm mới mình, đẩy mạnh xây dựng niềm tin của khách hàng, phát triển bán hàng đa kênh kèm theo giao hàng nhanh chóng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Những con số này phần nào khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tính đến nay, trên toàn quốc có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán. Trong khi không ít "ông lớn" ngoại quốc chật vật, thì các nhà bán lẻ nội địa như WinMart/WinMart+, Co.op Mart, Nova Supermarket... không ngừng phát triển, mở rộng quy mô.

Đơn cử, đại diện VinCommerce cho biết, Công ty đã đưa ra định hướng đạt gần 10.000 điểm bán nội địa (cửa hàng VinMart+) và hơn 300 siêu thị VinMart trong vòng 5 năm tới. Saigon Co.op cũng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tối thiểu đạt 2.000 điểm bán và doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8%-10%/ năm trong vòng 5 năm tới. Hay như Satra là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Tp.Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của họ đến năm 2025 là sẽ có thêm 5 siêu thị Satramart; 4 Trung tâm thương mại Centre Mall; tùy vào tình hình thị trường sẽ duy trì từ 150-250 cửa hàng mang thương hiệu Satra.

Sản phẩm trái cây của Việt Nam được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Internet

Liên quan đến thông tin trên, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, Việt Nam là một thị trường hết sức tiềm năng với dân số đông, thu nhập ngày càng tăng; thị trường bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%, đặc biệt chưa phát triển mạnh ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng chiếm 71% GDP.

Ngoài ra, ông Phú cho rằng, giai đoạn dịch bệnh khiến các doanh nghiệp bị gián đoạn kinh doanh, buôn bán cầm chừng, thậm chí là giải thể, chính vì vậy, đây chính là lúc họ hồi phục. Một lí do nữa là Việt Nam vừa kí kết một loạt các FTA, vì vậy làn sóng đầu tư vào bán lẻ sẽ tăng cao, hàng hóa của các nước vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi ngày càng nhiều. Nắm bắt được thời cơ này, các doanh nghiệp mở rộng thị phần là một điều đúng đắn.

Tuy nhiên theo ông Phú, những điểm yếu mà ngành sản xuất trong nước cần phải khắc phục để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế ngay tại sân nhà khi hội nhập là công nghệ sản xuất, chất lượng hàng hóa, lưu thông, kiểm soát hàng giả, hàng nhái…Chẳng hạn, với thương hiệu gạo ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, người tiêu dùng không dễ dàng phân biệt đâu là gạo ST25 thật, do có quá nhiều “phiên bản” rất giống loại gạo do “cha đẻ” giống lúa ST25 - ông Hồ Quang Cua - sản xuất và cung ứng ra thị trường. Phần lớn bao bì gạo ghi ST25, nhưng gạo chứa bên trong không phải là ST25 và được bán với cả chục mức giá khác nhau.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua (giữa) giới thiệu gạo ST25 tại điểm bán hàng gạo ST ở TP.HCM. Ảnh: Internet

Bàn về câu chuyện thị phần, hiện nay, một nửa đại siêu thị trong nước đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan… doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm hệ thống siêu thị tầm trung và siêu thị mini. Đặc biệt, theo làn sóng đầu tư đang dịch chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều, các doanh nghiệp ngoại đang thể hiện rõ “tham vọng” trước thị trường bán lẻ Việt đầy tiềm năng.

Theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy, khoảng 55% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, gần 60% doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng vì đây là mảnh đất màu mỡ, còn nhiều dư địa để phát triển. Dự báo, trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam là nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, trong phương thức mua sắm, đã đặt ra cho các nhà bán lẻ làm sao tổ chức lại để giữ được thị phần, giữ được lợi thế đang có. Nếu không thay đổi vị thế này sẽ trao cho các đơn vị khác.

Ngoài ra, muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, nhà bán lẻ cần làm ngay một số vấn đề: Thứ nhất, xem vai trò của người lao động là yếu tố quan trọng, góp phần tăng trưởng trong thời gian tới. Thứ hai, nhà bán lẻ không chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ thông tin thông qua phương thức thương mại điện tử sẽ mất lợi thế rất lớn. Thứ ba, phải đầu tư logistics để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí và tối ưu hóa các hoạt động, tăng sức cạnh tranh.

Cũng liên quan đến thị phần của gian hàng Việt, một số chuyên gia cho rằng, để giữ vững được lợi thế trên sân nhà, doanh nghiệp trong nước cần làm mới mình, đẩy mạnh xây dựng niềm tin của khách hàng, phát triển bán hàng đa kênh kèm theo giao hàng nhanh chóng.

Về phía các cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước những hành động cạnh tranh không lành mạnh của hàng ngoại. Ngoài ra, doanh nghiệp nội có thể tính đến phương án liên kết để tạo lập các tập đoàn bán lẻ lớn, xây dựng thương hiệu của riêng mình để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu