06:41 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu gạo Việt và bài toán liên kết để tạo giá trị cao

19:46 06/12/2022

(THPL) - Theo một số chuyên gia, điểm yếu của gạo Việt Nam so với Thái Lan, hay Ấn Độ là tính đồng nhất của thương hiệu. Hiện chúng ta chưa có nhiều sản lượng gạo với giá trên 1.000 USD/tấn vì chúng ta chưa liên kết được các doanh nghiệp lại với nhau, để tạo nên thương hiệu gạo Việt có giá trị cao.

Hiện nay, chất lượng gạo và giá dần tốt lên, thị trường theo đó cũng mở rộng hơn, đó là những tín hiệu tích cực mà thương hiệu gạo Việt làm được trong thời gian 2 - 3 năm qua.

Đơn cử như trong tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long đưa sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của mình vào thị trường Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới. Tiếp đến tháng 7, Tập đoàn Lộc Trời công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp. Riêng số gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.

Cùng với việc khẳng định vị thế của mình, theo các chuyên gia, điểm yếu của gạo Việt Nam so với Thái Lan, hay Ấn Độ là tính đồng nhất của thương hiệu. Hiện chúng ta chưa có nhiều sản lượng gạo với giá trên 1.000 USD/tấn vì chúng ta chưa liên kết được các doanh nghiệp lại với nhau, để tạo nên thương hiệu gạo Việt có giá trị cao. Cùng với đó, số doanh nghiệp Việt đưa được thương hiệu gạo của mình bày bán tại hệ thống siêu thị lớn trên thế giới chưa nhiều, trong khi những loại gạo có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 - 20%. Thách thức lớn nhất thời gian tới đây là làm sao để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu tạo nên tính đồng nhất cho thương hiệu gạo Việt.

Hiện nay, chất lượng gạo và giá dần tốt lên, thị trường theo đó cũng mở rộng hơn. Ảnh: Internet

Nói về bài toán liên kết, ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang chia sẻ, về kỹ thuật canh tác và giống lúa chúng ta đang đi đầu, có sự tiến bộ rất nhanh, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Có một khó khăn nữa là trong khâu thanh toán thu mua lúa nguyên liệu. Doanh nghiệp có tiền, có tài khoản nhưng không thanh toán được cho nông dân vì họ chưa quen với ngân hàng số. Nông dân vẫn có tâm lý muốn nhận tiền mặt ngay sau khi bán lúa, buộc doanh nghiệp phải mang theo số tiền lớn, dễ rủi ro…

Còn theo ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái. Gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân. Do đó, ông Nghiêm đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông cho rằng, để phát triển ngành hàng lúa gạo, cần sự liên kết, vào cuộc của nhiều nhà, như nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà quản lý.

Ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển mình thay đổi để hướng tới sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chuyên nghiệp. Tuy vậy, sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sử dụng lượng giống rất lớn khiến chi phí đầu vào bị đội lên nhiều lần, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học,… Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu gạo mạnh để tạo nên thương hiệu gạo quốc gia. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn gắn với nông dân và xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng cần dẫn dắt, trở thành hình mẫu cho ngành sản xuất lúa nước nhà. Qua đó, tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu