07:59 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Người dân kiên trì đến trụ sở UBND huyện để cầu cứu lãnh đạo

| 23:45 18/06/2017

(THPL) – Người dân ở xã Mai Lâm đến trụ sở UBND huyện Tĩnh Gia để "cầu cứu" lãnh đạo huyện này về việc đền bù đất đai tại Khu kinh tế Nghi Sơn, mặc dù huyện có tới...4 vị Phó chủ tịch UBND.

Đó là sự việc xảy ra vào sáng thứ 4 ngày 31/5/2017 tại trụ sở UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Cụ thể, một số người dân xã Mai Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có mặt tại trụ sở UBND huyện này để cầu cứu lãnh đạo huyện về một số vấn đề liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở Khu kinh tế Nghi Sơn diễn ra trước đó mấy năm.

Ngày 31/5/2017, người dân xã Mai Lâm tới trụ sở UBND huyện Tĩnh Gia để "đòi quyền lợi".

Người dân ở xã Mai Lâm mang những văn bản, giấy tờ tới "cầu cứu" lãnh đạo huyện Tĩnh Gia để được giải quyết thỏa đáng.

Người dân xã Mai Lâm cho biết: "Chúng tôi đồng ý với chính sách, chủ trương của tỉnh về việc thu hồi đất nông nghiệp để làm khu kinh tế lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa nhằm mục đích phát triển kinh tế tỉnh nhà. Thế nhưng, trong công tác giải phóng mặt bằng lại chưa được thỏa đáng khiến nhân dân chúng tôi rất bức xúc".

Không chỉ có việc người dân xã Mai Lâm bức xúc rồi "cầu cứu" các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa, có thể nhắc tới sự việc xảy ra tại thôn Bắc Châu (xã Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) mà Thương Hiệu & Pháp Luật đã đăng tải trước đó. Cụ thể, người dân thôn này cho rằng chính quyền xã đã cho người nhà của cán bộ UBND xã thuê và phá rừng phòng hộ để nuôi ngao.

Rừng phòng hộ tại xã Hải Châu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đang bị thu nhỏ lại mà người dân không rõ lý do. (Ảnh do người dân cung cấp)

Theo người dân thôn Bắc Châu, UBND xã đã tự ý cho người nhà của cán bộ, lãnh đạo xã thuê rồi đem máy xúc ra phá rừng phòng hộ để làm nơi nuôi trồng hải sản. “Không chỉ dừng lại ở việc 3,3 ha rừng phòng hộ bị phá, chính quyền địa phương còn tiếp tay cho một số người phá nát hành lang đê điều. Mùa mưa bão sắp đến khiến nhân dân chúng tôi bất an, lo lắng”, một người dân cho biết. 

Người dân thôn Bắc Châu nhận định rằng: “Nhà nước tốn bao nhiêu tiền để trồng cây cho rừng phòng hộ mà chính quyền đem phá đi. Phí bao nhiều tiền bạc của Nhà nước”. Trong khi đó, một vị cán bộ UBND xã cho hay: “Chủ tịch UBND xã đã tự ý cho người nhà của cán bộ địa chính và vợ của Phó Chủ tịch UBND xã thuê”.

Điều đáng nói hơn, UBND huyện Tĩnh Gia có tới 4 Phó Chủ tịch, bao gồm: ông Hồ Đình Tùng phụ trách lĩnh vực Nông Nghiệp, ông Trương Bá Duyên phụ trách lĩnh vực Tài Chính, ông Lê Thế Kỷ phụ trách lĩnh vực Văn Hóa, ông Phạm Văn Nhiệm phụ trách lĩnh vực Đất Đai. Thế nhưng, người dân vẫn phải trực tiếp tới trụ sở UBND huyện Tĩnh Gia để "cầu cứu" lãnh đạo huyện này về công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, ông Dũng cho biết: “Huyện Tĩnh Gia có một đặc thù là giải phóng mặt bằng cho các dự án ở Khu kinh tế Nghi Sơn, do đó UBND huyện báo cáo tỉnh và tỉnh cũng đã báo cáo Tỉnh uỷ để bổ sung một Phó chủ tịch phụ trách riêng công tác giải phóng mặt bằng”.

Vị Chủ tịch UBND huyện nói thêm: “Khi nào thực hiện xong nhiệm vụ chính trị của tỉnh Thanh Hóa thì sẽ quay trở lại thực hiện đúng với Nghị định 08/NĐ-CP, không được vượt quá 03 Phó Chủ tịch”. Khi được hỏi về công tác giải phóng mặt bằng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ông Dũng nhận định: “Từ giờ đến năm 2020 chắc chắn chưa hoàn thành, còn sau năm 2020 thì tôi cũng chưa dám khẳng định được”.

Lịch tiếp công dân của lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia cho thấy huyện này đang có tới 4 Phó Chủ tịch UBND

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - khẳng định: “Việc UBND huyện Tĩnh Gia có 4 Phó Chủ tịch là đúng. Có quy định rồi, huyện đã xin ý kiến của UBND tỉnh và tỉnh cũng đã xin ý kiến Trung ương”. "Về sự việc ở xã Mai Lâm hiện nay tôi chưa nắm bắt được, tôi sẽ thông tin lại sau", ông Xứng nói.

Rõ ràng UBND huyện Tĩnh Gia có tới 4 Phó Chủ tịch nhưng hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tồn tại tình trạng người dân đến trụ sở đòi gặp lãnh đạo huyện để "cầu cứu", "đòi quyền lợi". Có lẽ, đã đến lúc UBND tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin mới nhất.

Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2017 nêu rõ về việc Chính quyền địa phương các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng số lượng, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp:

Thực hiện nghiêm quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP về số lượng, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân, nhất là số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Những đơn vị hành chính chưa được phân loại đơn vị hành chính thì khẩn trương trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định phân loại để có căn cứ xác định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định.

Tại điểm b, khoản 1, điều 7 của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/2/2016 nêu rõ:

Điều 7. Số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính
1. Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn
a) Tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
b) Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
c) Xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

>>> Thanh Hóa: Phá rừng phòng hộ cho kịp...mùa nuôi ngao?

Uy Vũ

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu