22:28 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Hàng nghìn người dân về dự lễ hội Lam Kinh

16:02 17/09/2022

(THPL) – Vào sáng nay 17/9 (tức 22/8/2022), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2022 và kỷ niệm 10 năm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương đã về tham dự buổi lễ.

Dự lễ kỷ niệm có ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo, MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; dòng tộc họ Lê Việt Nam và đông đảo du khách thập phương đến tham dự.

Đông đảo lãnh đạo cùng người dân về dự Lễ hội Lam Kinh.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo vào năm Mậu Tuất 1418. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, bằng nghệ thuật quân sự “lấy yếu chống mạnh”, dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều, nghĩa quân càng đánh càng mạnh. Đến cuối năm 1427, bằng nhiều chiến thắng quyết định tại Chi Lăng, Xương Giang, Cầu Trạm... nghĩa quân đã buộc giặc Minh phải rút 30 vạn tàn quân về nước.

Từ đây, đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị của vương triều Hậu Lê dài hơn 360 năm. Đặc biệt, dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông, đất nước phát triển cực thịnh với những thành quả phát triển to lớn trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, quân sự, ngoại giao.

Các nghi thức tại lễ hội.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Lam Kinh 2022 cho biết, nhằm kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (2012-2022).

Lễ hội nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước. 

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trong 3 ngày, từ 16/9 đến 18/9 (tức ngày 21, 22, 23/8 âm lịch). 

Các tiết mục văn hóa được tái hiện tại lễ hội.

Mở đầu là phần lễ, nghi thức rước kiệu truyền thống. Tiếp đó là lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế. Cuối cùng là đọc chúc văn tưởng nhớ công lao của Vua Lê Thái Tổ và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn”, gồm 3 chương, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ, nhân dân đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh. 

Sân khấu hóa hào khí Lam Sơn tại Lễ hội

Ngoài ra, các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ sẽ trình diễn trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng huyện Ngọc Lặc, múa bát dân tộc Dao nhằm thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh.

Ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Sầm Sơn, suối cá thần…

Đông đảo người dân về tham dự Lễ hội.

Vào tháng 4/2022, Chính điện Lam Kinh (thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã chính thức mở cửa đón khách du lịch tham quan, chiêm bái sau 12 năm phục hồi, tôn tạo.

Trước đó, Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo từ năm 2010, trên diện tích hơn 1.600m2. Chính điện hình chữ Công, gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê).

Theo lãnh đạo của Ban Quản lý di tích, Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim hơn 2.000m3.

Nhiều vật dụng tại khu di tích Lam Kinh được phủ vàng có giá trị.

Đến nay có khoảng 21 hạng mục công trình gồm: Chính điện Lam Kinh và các lăng mộ, nhà bia, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên... đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Đáng chú ý, bên trong chính điện, các đồ thờ, vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng với giá trị hơn 40 tỉ đồng.

Duy Phúc

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu