20:14 ngày 03/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Giáo viên và nỗi niềm nghề tay trái

22:38 23/10/2017

(THPL) - Lương thấp, đời sống bấp bênh, sau những giờ lên lớp, nhiều giáo viên phải xoay vần làm thêm đủ mọi thứ như kinh doanh, buôn bán... để trang trải cuộc sống.

Trong cuộc sống hiện tại, kinh tế đóng vai trò quan trọng của mỗi con người. Đối với những người giáo viên, ngoài giờ lên lớp, họ còn tranh thủ làm thủ đủ mọi nghề để trang trải sinh hoạt hàng ngày, song cũng có nhiều người, họ đến với nghề “tay trái” như một niềm đam mê, thích thú.

Chị Trương Tuyết Nhung (sinh năm 1981, quê ở huyện Đông Sơn) là giáo viên dạy văn tại trường THCS Quảng Cát (TP. Thanh Hóa). Hơn 7 năm gắn bó với nghề giáo, đồng lương ít ỏi, đời sống bấp bênh, mặc dù biết làm nghề này vất vả, lương lại thấp, song đối với chị Nhung, được giảng dạy đúng chuyên môn mình đã học là một niềm vui.

Giáo viên và nỗi niềm nghề tay trái.

Vốn là dân chuyên văn, chị cũng có thể làm một số công việc làm thêm khác nữa và nghề báo đến với chị như một cơ duyên. Quãng thời gian dạy học, nghe người quen giới thiệu bên báo Công lý, văn phòng đang tuyển người, trước đó chị cũng đã từng có bài viết gửi một số tạp chí văn học. Lại đúng nghề mình thích nên chị đến làm, ngoài giờ lên lớp, chị vẫn cố gắng thu xếp tiết học phù hợp để làm báo. Đến nay, dù đã nghỉ làm báo nhưng đối với chị Nhung, được làm những điều mình thích, dù công việc đó có vất vả thế nào, cũng cảm thấy ấm lòng.

Chị tâm sự: “Đôi lúc đến với nghề báo bên cạnh cuộc sống mưu sinh, còn là niềm đam mê, thích viết, thích đi đó đây, nhưng vì áp lực về truyền thông, nên sợ không tồn tại với nghề được nên đành quay lại nghề giáo, với hi vọng có thể phát huy đúng năng lực, sở trường của mình”.

Hay như trường hợp của thầy giáo Nguyễn Quang Hải (sinh năm 1975, quê huyện Thiệu Hóa) - giáo viên dạy thể dục trường TH&THCS Thiệu Tân (Thiệu Hóa). Hoàn cảnh của anh Hải cũng khó khăn, vợ anh trước cũng làm nghề giáo, nhưng bị cắt hợp đồng, ở nhà nội trợ, nhà lại hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, đồng lương ít ỏi của anh không thể trang trải mọi chi phí sinh hoạt của gia đình. Sẵn sở trường về bơi lội, anh Hải tham gia dạy bơi tại một số trung tâm bơi lội trong tỉnh. Có thêm chút thu nhập, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư 2 bể bơi ở huyện Đông Sơn và TP. Thanh Hóa. Đến nay, cuộc sống gia đình anh cũng đỡ vất vả, có thêm đồng ra đồng vào.

Trao đổi với anh Hải, được biết, để có kinh phí đầu tư bể bơi, anh phải vay mượn khắp nơi, từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân, đến nay sau gần 1 năm đi vào hoạt động, 2 bể bơi của anh Hải luôn đông khách.

Anh Hải cho biết, mục đích mở bể bơi, trước hết vì cuộc sống mưu sinh vất vả, sau vì niềm đam mê, mong muốn tạo điều kiện, đào tạo cho học sinh một số kỹ năng phòng tránh đuối nước, đồng thời từ đó phát hiện học sinh tài năng, phục vụ cho TDTT tỉnh nhà.

Thực tế, có rất nhiều giáo viên đến với nghề tay trái vì mưu sinh, niềm đam mê, hơn nữa họ thường là giáo viên dạy môn phụ nên không dạy thêm. Sau khi hết tiết học, tranh thủ thời gian nông nhàn, rảnh rỗi, ngày nghỉ hoặc nghỉ hè, mỗi người chọn một công việc phù hợp với sở trường, năng khiếu của mình để kiếm thêm thu nhập, thỏa niềm đam mê. Thường đối với giáo viên nữ, họ chọn cho mình công việc như buôn bán, khâu vá, làm tranh ảnh…, còn các thầy dạy bơi, tăng gia, sản xuất…

Tuy vậy, cũng có một số giáo viên, họ cũng không mở lòng về nghề “tay trái” của mình, mặc dù vẫn biết đó là công việc chính đáng. Trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga, công tác tại trường mầm non P.Lam Sơn ( TP. Thanh Hóa) là một ví dụ. Theo lời lãnh đạo nhà trường, cô Nga là giáo viên giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, hiện là giáo viên hợp đồng của trường, với thu nhập 3.400.000đồng/tháng. Ngoài việc đứng lớp, cô Nga có bán hàng online trên mạng để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống…

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện đời sống nhà giáo, giải quyết những vấn đề về lương bổng. Quyết định 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập; Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo ra đời, được rất nhiều người đón nhận.

Lương tăng, có thêm phụ cấp ưu đãi, thế nhưng từng ấy cũng chưa đủ để giáo viên, đặc biệt là giáo viên hợp đồng có thể yên tâm công tác mà không phải lo nghĩ đến gánh nặng “cơm áo, gạo tiền”.

Vất vả kiếm thêm đồng tiền để trang trải sinh hoạt là vậy, song các thầy cô giáo vẫn không quên nhiệm vụ giảng dạy, quan trọng hơn hết họ không bỏ nghề… 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu