15:20 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD vào năm tới

Minh Anh (tổng hợp) | 14:26 22/08/2019

(THPL) - Thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ dự báo sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD trong năm tài khóa tiếp theo, trái với lời hứa khi tranh cử của ông Trump. Nợ sẽ lên tới mức kỷ lục vào năm 2029.

Theo TTXVN, ngày 21/8, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ đang tăng nhanh hơn dự kiến, có thể lên tới 1.000 tỷ USD vào năm tài khóa 2020. Trong khi đó, cạnh tranh thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặt ra những thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử vào năm tới.

Thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ dự báo sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD trong năm tài khóa tiếp theo. (Ảnh minh họa)

Mức thâm hụt trên ghi nhận sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó. Trước đó, mức thâm hụt ngân sách trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/9 tới được ước tính khoảng 960 tỷ USD. Tháng Một vừa qua, CBO đã dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2020 sẽ là 890 tỷ USD và đến tài khóa 2022 sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Mức thâm hụt ngân sách này sẽ đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD kể từ năm 2012 khi nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính. Đây sẽ được coi là  “vũ khí” mới của đảng Dân chủ Mỹ trước những nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Theo Tri thức trực tuyến, ông Phillip Swagel, giám đốc CBO cho biết nợ liên bang sẽ tăng cao hơn nữa trong thập kỷ tới vì dân số già đi và chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe buộc phải tăng. (Khi thâm hụt ngân sách, chính phủ buộc phải vay tiền để bù vào khoản thiếu hụt). Đến năm 2029, nợ công của Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục, theo tỷ lệ % so với GDP, tính từ sau Thế chiến II.

Số nợ tăng như vậy là do các thỏa thuận ngân sách, được cả hai đảng đồng thuận, sẽ tăng chi tiêu cho quân đội và một số khoản khác. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại đang khiến đầu tư và sản lượng kinh tế tăng chậm lại, giảm tiền thuế nộp cho Bộ Tài chính.

Để ổn định tình hình, ông Swagel nói các nghị sĩ cần phải tăng thuế, giảm chi tiêu công hoặc kết hợp hai hướng này, theo AP. CBO cũng đưa ra các dự đoán kinh tế không mấy lạc quan, sau khi tính đến ảnh hưởng của thỏa thuận ngân sách.

Mức dự báo trên của CBO trái ngược với tuyên bố trước đó của Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định thâm hụt ngân sách “đang giảm và sẽ giảm nhanh”, đồng thời cho rằng đây không phải là một vấn đề lớn và có thể kiểm soát.

Theo số liệu của CBO, thâm hụt sẽ ở mức tương đương 4,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và duy trì mức dưới 5% GDP cho đến hết năm 2026. Vấn đề lớn hơn là nợ chính phủ, được dự báo sẽ tăng tỷ lệ trong nền kinh tế, từ mức 81% GDP trong năm nay lên 95% vào năm 2029.

CBO dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ quý Tư năm 2019 ở mức 2,3%, trong khi tăng trưởng năm tới là 2,1%, cao hơn mức dự đoán 1,7% của cơ quan này trước đó. Theo CBO, kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc xuống mức tăng trưởng khoảng 1,6% cho đến hết năm 2029.

“Thỏa thuận ngân sách gần đây là thỏa thuận phá vỡ ngân sách, và đây chính là bằng chứng. Cả hai đảng đều làm mọi chuyện tệ đi”, theo Maya MacGuineas, chủ tịch một tổ chức tư nhân có tên Ủy ban vì Ngân sách Liên bang Trách nhiệm.

Tổ chức của bà chuyên nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề có tác động lớn đến tình hình ngân sách liên bang.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu