11:41 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thách thức của doanh nghiệp Việt khi đồng USD tăng giá mạnh

Bảo An (tổng hợp) | 14:01 01/08/2022

(THPL) – Thách thức khi đồng USD tăng giá đang gây nên áp lực đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lạm phát, sự ổn định của đồng nội tệ đang là bài toán lớn đối với nhiều nền kinh tế trong lúc này.

Ước tính đồng USD đã tăng giá gần 11% từ đầu năm đến nay, đây là kết quả sau 4 lần Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất, vào tháng 3, tháng 5, tháng 6 và 28/7 vừa qua.

Ở chiều ngược lại, hàng loạt đồng tiền đã mất giá mạnh so với USD, mất giá nhiều nhất là đồng Yên của Nhật Bản - giảm 15,5%, Euro và bảng Anh cũng mất giá hơn 10%, đồng Won của Hàn Quốc, Bath của Thái Lan cũng mất giá gần 9%.

Tiền Đồng Việt Nam, tính đến ngày 31/7 chỉ mất giá khoảng 2,3% so với USD. Hiện, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại là 23.480 đồng. Tiền Đồng vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước diễn biến trên, các nhà phân tích tài chính nhận định, tăng trưởng không kiểm soát trên toàn cầu do quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch nhanh hơn dự kiến sẽ kéo theo hiện tượng lạm phát. 

Dự báo từ nay tới cuối năm, Fed có thể còn tiếp tục tăng lãi suất thêm khoảng 1% nữa. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng ở các nước có thể sẽ đắn đo hơn khi chi tiêu. Điều này, khiến cơ hội với hàng xuất khẩu của Việt Nam phần nào sẽ bị thu hẹp.

Ở chiều nhập khẩu, đồng USD ngày càng đắt đỏ khiến doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền hơn để mua nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh, từ đó càng gây thêm sức ép lạm phát. Việc giữ chân dòng vốn đầu tư khi sức hấp dẫn lãi suất USD tăng lên cũng là vấn đề được đặt ra. 

Hiện nay toàn bộ cước vận tải quốc tế tính bằng USD. Điều này có nghĩa giá USD cứ đắt thêm 1%, thì doanh nghiệp thuê tàu sẽ phải trả chi phí tăng lên đúng 1% đó, bất kể giá cước container là bao nhiêu.

“Cơ cấu chi phí của logistic sẽ thay đổi. Ví dụ khi tỷ giá tăng làm xăng dầu, chi phí nguyên liệu, phụ tùng thay thế, chi phí phụ tùng phải nhập khẩu sẽ tăng giá lên”, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Delta cho biết.

Ước tính đồng USD đã tăng giá gần 11% từ đầu năm đến nay. Ảnh minh họa

Theo tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, trước diễn biến trên, để ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể hơn để kìm chế giá cả, tránh nguy cơ lạm phát tăng cao.

Nhìn nhận về nguy cơ lạm phát gia tăng, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia từng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng phục hồi nhưng chậm; du lịch và lưu trú vẫn phục hồi nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Về sức mua, hiện nay chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với trước đây, trong khi đó, chi phí đầu vào tăng nên lạm phát có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Dự đoán, lạm phát năm 2022 tăng 3,8 – 4,2%, nghĩa là tăng gấp đôi năm 2021.

Trong khi đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mặc dù lạm phát ở các nước trên thế giới dự báo có tăng cao nhưng tại Việt Nam có thể chặn được đà tăng này khi mặt bằng giá ở trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.

“Từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách kìm chế giá hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất được ban hành kịp thời, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4...”, PGS.TS Ngô Trí Long lý giải.

Dù khẳng định tình hình lạm phát vẫn khó đoán trong những tháng cuối năm, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể hơn để kìm chế giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, sống trong hoàn cảnh không bình thường thì tư duy của chúng ta phải khác thường. Việt Nam đang có nền tảng tốt, kinh tế đang có đà, có khát vọng thì có thể bứt phá và chúng ta không nên lãng phí cơ hội này. Sắp tới, chúng ta có thể phải “bơm tiền” vào nền kinh tế để kìm chế lạm phát tăng.

Còn theo TS. Vũ Thành Tự Anh, hiện nay tín dụng tăng trưởng khá cao, cụ thể tính đến hết tháng 6 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần thận trọng, không thể bung tín dụng ra vì làm như vậy dẫn đến hệ lụy xấu. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỉ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.

Báo Lao động đưa tin, trong diễn biến liên quan, thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, điều quan trọng nhất là phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế.

Đối với hoạt động ngân hàng, mục tiêu điều hành của ngành Ngân hàng là phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân.

Về lãi suất, NHNN cho biết lãi suất trên thế giới đang tăng rất mạnh, có 196 lượt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Thời gian vừa rồi, lãi suất đang chịu áp lực tăng. Tín dụng 7 tháng đầu năm tăng 9,14%, nghĩa là cầu tín dụng đã tăng lên, trong khi nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá, để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, không thể giảm lãi suất được, vì giảm nghĩa là đồng Việt Nam rẻ, dẫn đến chuyện găm giữ ngoại tệ.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu