06:19 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Điều hành linh hoạt giá xăng dầu giúp kiềm chế lạm phát

09:25 28/07/2022

(THPL) – Hiện nay, dù lạm phát đang được kiểm soát nhưng các tổ chức tài chính nhận định, nếu giá nguyên, nhiên vật liệu và xăng dầu thế giới có xu hướng tiếp tục tăng cao thì lạm phát có thể kéo dài đến nửa đầu năm sau, đặc biệt là khi kinh tế phục hồi cũng sẽ đẩy tổng cầu gia tăng, tác động trực tiếp tới lạm phát.

Việt Nam đặt mục kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, nếu xăng dầu tăng cao trong thời gian tới, chắc chắn sẽ tạo ra áp lực lớn với con số 4%. Vì vậy, việc điều hành linh hoạt với nhiều công cụ khác nhau sẽ giúp chúng ta giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Quý IV năm nay, nếu giá xăng dầu thế giới giảm và neo ở mức 110 - 115 USD/thùng thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm xuống, còn khoảng 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.

Theo báo VTV News, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết: "Trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng cao, tác động đến lạm phát cũng như chỉ số giá thì Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi và lên phương án tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng".

Theo TS. Cấn Văn Lực, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nói: "Chúng ta vẫn còn lệ thuộc khá nhiều vào nước ngoài về các nguyên liệu đầu vào, thăm dò khai thác cũng chưa được đầu tư thích đáng và phải đa dạng hoá nguồn cung, đồng thời phải có nhiều biện pháp bình ổn giá xăng dầu trong nước, bao gồm tích trữ, cả bao gồm xem xét lại điều hành quỹ BOG, cơ chế về điều hành giá".

Câu chuyện giữ được hay không mức lạm phát dưới 4% phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thời gian tới như thế nào, bởi hàm lượng, trọng số xăng dầu trong cách tính CPI của Việt Nam chưa cao như thế giới nhưng lại tác động rất lớn vào sản xuất, kinh doanh.

Xăng, dầu không chỉ phục vụ các phương tiện lưu thông vận tải mà còn là nguồn nhiên liệu đầu vào, là yếu tố cấu thành chi phí giá cả của nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Vì thế, ổn định được nguồn cung xăng, dầu là một trong những yếu tố quan trọng để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều hành linh hoạt giá xăng dầu giúp kiềm chế lạm phát. Ảnh minh họa

Theo báo Đại đoàn kết, hiện, Bộ Tài chính vẫn đang nỗ lực đề xuất các giải pháp nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, qua đó hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Cùng với việc điều chỉnh giảm Thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống còn 10% Thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu (thay vì mức 12% như đề xuất trước đó).

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho DN có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cũng như Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi và đang lên phương án để thời gian tới sẽ trình phương án giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như Thuế giá trị gia tăng nếu giá dầu vẫn ở mức cao.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây tiếp tục giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho Bộ Tài chính là trước ngày 30/7. Việc giảm thêm thuế, phí này nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.

Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế phí để kìm giá xăng trong bối cảnh lạm phát tăng trở lại là điều cần thiết. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần xem xét xăng, dầu như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp.

Như vậy, trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách cần chấp nhận một khoản thiếu hụt từ việc giảm thuế với xăng, dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Còn nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích, hiện có 3 sắc thuế đối với xăng, dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) đang đánh vào phần trăm của giá bán lẻ xăng, dầu trên thị trường. Do đó, nếu giảm được các sắc thuế này thì giá xăng, dầu sẽ giảm được nhiều.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu