05:59 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Tài chính đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu

09:11 18/07/2022

(THPL) – Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó có kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá (QBOG) giúp giá xăng, dầu vận động theo cơ chế thị trường. Dự thảo Luật giá cũng đưa ra quy định về việc sau khi bỏ QBOG, nếu giá xăng, dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá các bước theo thứ tự.

Đó là kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định.

Liên quan đến đề xuất trên, theo TTXVN đưa tin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, sẽ kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường, trong 7 giải pháp bình ổn giá xăng, dầu thì lập quỹ bình ổn giá là một giải pháp, việc thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá là khi có biến động về giá...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng có nhiều ý kiến cho rằng, khi có biến động giá mới lập quỹ thì sẽ có độ trễ, không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, trong việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính xin ý kiến các bên liên quan về phương thức bình ổn giá, trong đó sẽ bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá, từ đó sẽ xem xét lại quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Bộ Tài chính đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu. Ảnh minh họa

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Trong diễn biến liên quan, theo báo Kinh tế và Đô thị, trước đó Phía Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ QBOG xăng, dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, thực tế QBOG không cần thiết khi giá xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường, do đó, Luật Giá tính tới việc bỏ quỹ này là phù hợp. Đại diện cho cộng đồng DN, ông Bảo cho hay DN cũng không được lợi gì từ QBOG, nếu DN nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng. Đây là điều mà các DN đầu mối không hề mong muốn.

Có thể thấy, từ góc độ quản lý về vĩ mô của Nhà nước, Quỹ là công cụ kiểm soát tăng giá. Tuy nhiên, từ góc độ DN và người dùng, Quỹ không cần thiết bởi cả hai đối tượng này đều không được lợi. Người dùng thì “ứng tiền trước để và được trả lại khi giá biến động” theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Còn với DN, việc duy trì quỹ khiến DN phải bố trí thêm nhân sự trong hệ thống để theo dõi hoạt động của quỹ...

"Muốn giảm giá xăng dầu nhanh thì chỉ còn mỗi cách là giảm thuế, nhưng đòi hỏi phải có quá trình đánh giá tác động đa chiều bởi nếu ban hành quy định này thì phải xác định được khả năng điều hành xăng, dầu trong nước, kiểm soát giá và chống buôn lậu xăng, dầu ra nước ngoài" - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu lưu ý.

Dưới góc độ chuyên gia, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng: "Theo cơ chế thị trường, biến động theo giá thế giới người ta có những giải pháp khác để bình ổn chẳng hạn như dự trữ nguồn cung nên chúng ta cũng cần phải cân nhắc có nên bỏ hay không. Và nếu bỏ để theo cơ chế thị trường thì phải có giải pháp như hỗ trợ an sinh để yên lòng dân”.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng: Khi một nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì việc xóa bỏ QBOG xăng, dầu là việc tất yếu. Trên thực tế, ở Việt Nam trước đây đã có nhiều ý kiến đề xuất xem xét xóa bỏ quỹ này.

Tuy nhiên, với cơ chế điều hành thị trường xăng, dầu của Việt Nam ở thời điểm này thì việc xóa bỏ QBOG cần phải cân nhắc kỹ. Thực tế xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu nên Nhà nước muốn quản lý xăng, dầu thì phải có công cụ để điều khiển, can thiệp trong trường hợp giá tăng sốc, hỗ trợ điều hành giá tốt hơn.

Được biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 18 lần, cụ thể có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Sau kỳ điều hành vừa qua, các mặt hàng xăng đã xuống dưới 30.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm giữa tháng 3. Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu