Bệnh viện Đa khoa Đức Giang: Yếu kém về năng lực hay vô cảm trước nỗi đau của người bệnh?
THPL – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, một cơ sở y tế có thương hiệu hơn 60 năm, đang bị đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi liên tiếp để xảy ra những sai sót trong công tác khám chữa bệnh. Trường hợp bệnh nhân Hà Văn Hạnh tử vong ngay sau khi được thông báo sức khoẻ đã ổn định là dấu hỏi lớn về sự tắc trách, vô cảm và chuyên môn yếu kém của đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở khám chữa bệnh này.
Vô cảm trước nỗi đau của người bệnh
Trong lá đơn đẫm những giọt nước mắt gửi đến cơ quan chức năng và báo chí đề nghị làm rõ cái chết của bố mình trong thời gian 38 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bà Hà Thị Huyền Trang (trú tại: xã Yên Viên, H.Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Ngày 30/11/2024, bố tôi là Hà Văn Hạnh SN 1955 đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để thay ống thông tiểu (chiếc ống này được Bệnh viện Đức Giang đặt từ ngày 24/09/2024 khi làm phẫu thuật cho ông). Lúc nhập viện, ông có dấu hiệu vàng da, mệt mỏi, xông tiểu chảy dịch trắng đục. Ông được chỉ định lọc máu tại khoa Nội Thận - Tiết niệu (khoa Nội Thận).
Khi tình trạng sức khỏe của bố tôi đã ổn định, ngày 6/12/2024 ông được thay ống dẫn tiểu mới vào tại phòng thủ thuật khoa Ngoại Thận - Tiết niệu (khoa Ngoại Thận). Trước ngày làm thủ thuật, khi nhận được thông tin bệnh viện không có Sonde Silicone Foley to hơn Sonde cũ (14Fr). Được sự cho phép của bác sĩ, tôi đã mua Sonde Silicone Foley (18Fr) từ một cơ sở y tế được cấp phép gần bệnh viện Việt Pháp và đã giao bộ Sonde foley mới mua này cho bác sĩ tại khoa Ngoại Thận.
Sau khi có bộ Sonde Silicone Foley 18Fr, các bác sĩ tiến hành thủ thuật thay xông. Sau thủ thuật, ông được đưa về khoa Nội Thận để theo dõi điều trị, cùng thời điểm đó các bác sĩ cho biết do bộ sonde silicone foley 18Fr không vừa, nên chúng tôi đã thay sonde foley 14,47Fr của bệnh viện cho bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh yêu cầu gia đình chuyển số tiền 300.000 đồng vào số tài khoản thuộc ngân hàng BIDV mang tên Bùi Hồng Vân để thanh toán tiền mua sonde foley 14,47Fr.
Ngày 09/12/2024, bộ sonde foley 14,47 Fr bị gãy thành 3 đoạn khi đang dẫn lưu truyền rửa bàng quang theo y lệnh. Nhưng nhân viên y tế chỉ xử lý qua loa, kẹp giữ phần gốc sonde foley lại bằng băng dính y tế, sự thiếu trách nhiệm này đã khiến bố tôi rơi vào tình trạng bí tiểu nguy hiểm kéo dài.
Trước sự cố trên, phải đến ngày 10/12/2024, bác sĩ khoa Nội Thận thông báo, trên khoa Ngoại Thận có nhờ bác sĩ Nội Thận đặt tạm sonde foley tiểu, nhưng không đặt được, chờ xử lý tiếp. Ở thời điểm đó các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, nhưng, từ 10h ngày 10/12 đến 15h15p ngày 11/12/2024 trên khoa Ngoại Thận vẫn không có bác sĩ xuống thăm khám. Khi lần thứ 4 gia đình sang phòng hành chính khoa Nội Thận cầu cứu, khoảng 12 phút sau thấy bác sĩ khoa Ngoại Thận lên kiểm tra và nói với tôi “Ông nhà mình không phải trường hợp cấp cứu nên người nhà cứ bình tĩnh”. Một lúc sau, bác sĩ tiến hành đặt lại sonde foley tiểu 3 chạc 24Fr và sonde foley trên vệ 14Fr, 16Fr. Nhưng bộ sonde foley trên vệ không đặt vào được, do vết cũ đã bị tịt lại, lúc này bác sĩ thông báo nguy cơ cao sẽ phải mổ cấp cứu đặt lại sonde foley trên vệ.
Khoảng 16h45 phút ngày 11/12/2024, bố tôi được chuyển lên khoa Gây mê hồi sức, tại đây gia đình được bác sĩ đọc cho chép và kí giấy tử thủ để tiến hành phẫu thuật cấp cứu mở thông bàng quang trên xương mu.
Sau phẫu thuật, bố tôi được đưa tới hồi tỉnh tại đơn nguyên Hồi sức Ngoại (Tầng 4, nhà B), lúc đấy gia đình tôi mới biết vết mổ mới là mổ phanh đặt 2 ống, không phải mổ nội soi đặt 1 ống như phẫu thuật lần đầu ngày 24/9/2024.
Tiếp tục những ngày điều trị sau phẫu thuật, bố tôi liên tục kêu đau, vết mổ luôn sưng tấy, có dịch trắng đục kèm nước truyền rửa chảy ra trên miệng vết mổ và bơm tiêm 50cc dẫn dịch nhiều ngày không được thay mới, rỉ ra lót có mùi khó chịu. Dù nhiều lần tôi đã thắc mắc nhờ khoa Nội Thận hỏi phía khoa Ngoại Thận, nhưng vẫn không được nhân viên y tế chú trọng tới vết mổ và tình trạng sức khỏe của bố tôi.
Ngày 18/12/2024, sau nhiều lo lắng của gia đình về vết mổ, bệnh nhân được chuyển lên nằm tại khoa Ngoại Thận để chăm sóc. Tại đây, ngày 19/12 (sau 8 ngày) ống bơm tiêm 50cc dẫn dịch mới được thay thế.
Trong quá trình bệnh nhân điều trị tại khoa, dù là phòng cấp cứu của khoa, nhưng việc truyền thuốc đa số được phó mặc cho người nhà. Các điều dưỡng rất ít khi kiểm tra phòng bệnh, tắc ven gọi 3 lần, 2-3 tiếng sau mới có nhân viên y tế đến xử lý…
Bên cạnh đó, lúc thay băng điều dưỡng không buộc lại tay bệnh nhân về vị trí cũ, nên bệnh nhân đã tự rút sonde foley dạ dày. Sau khi chỉ định đặt lại sonde foley, nhân viên y tế đã cầm sonde foley vừa tuột mang ra bồn rửa tay (sát nhà vệ sinh) tráng rửa trên vòi nước thường, với ý định đặt lại cái đó vào người bệnh nhân. Lo sợ nhiễm khuẩn, tôi đã thắc mắc, lúc đó điều dưỡng mới vứt chiếc sonde foley dạ dày đó vào sọt rác và lấy sonde foley mới ra thay…
Sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, được thông báo xuất viện nhưng vì sao vẫn nguy kịch, tử vong ngay sau đó!?
Trong đơn tố cáo của bà Trang nêu rõ: Ngày 25/12/2024, theo thông báo của BS CKII Bùi Trường Giang - Phó Trưởng khoa Ngoại Thận tình trạng bệnh nhân đã ổn, vết mổ khô, bệnh nhân có thể xuất viện. Nhưng gia đình tôi không đồng ý, vì thấy bố còn rất mệt, sưng tấy ở vết mổ chưa giảm, vẫn xuất hiện dịch mủ trắng đục…

Theo đó, chiều cùng ngày khi nhân viên y tế kiểm tra vết mổ, vết mổ vẫn sưng chảy mủ thành dòng, bác sĩ chỉ định truyền Albumin tĩnh mạch tốc độ chậm (khoảng vài giờ cho một chai 50ml) để tránh tràn dịch màng phổi. Chai đầu, điều dưỡng cắm kim truyền đúng y lệnh, sang chai thứ 2 trong khoảng 10 phút, Albumin đã truyền xong. Thấy sự bất thường đó, tôi báo bác sĩ điều trị, thì nhận được câu trả lời: “Em không cố ý, chai đầu ven ông tắc, chai sau ven ông thông, nên Albumin chảy nhanh chị ạ…”.
Khi diễn biến bệnh của bố tôi ngày càng nặng, có biểu hiện viêm phổi, tràn dịch đa màng, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn đa kháng, một lần nữa gia đình tôi được bác sĩ của khoa gọi vào và tư vấn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, còn nếu muốn ở lại điều trị thì phải ký giấy cam kết phẫu thuật.
Chấp nhận ký giấy cam kết, ngày 27/12/2024, bố tôi được đưa sang điều trị tại đơn nguyên Hồi sức ngoại. Đến khoảng 21h ngày 5/1/2025 bệnh nhân bị tắc cứng không thoát tiểu trên 3 ống dẫn lưu bàng quang, kèm sốt, cứng bụng. Lúc này, phía bác sĩ điều trị đơn nguyên Hồi sức Ngoại có mời bác sĩ trực của khoa Ngoại Thận lên hội chẩn tìm phương án, lúc sau tôi được bác sĩ điều trị báo lại, khoa Ngoại Thận báo không có bác sĩ trực, nên yêu cầu gia đình chờ đến sáng 6/1/2025. Lúc này gia đình tôi đành phải điện thoại đến số Hotline của Bệnh viện và Sở Y tế Hà Nội để cầu cứu, khoảng 23h50 phút bác sĩ Bùi Trường Giang lên, nhưng y lệnh không can thiệp, mà còn nói người nhà “hành bác sĩ”.
Nhận thấy tình trạng sức khỏe của bố tôi ngày càng nguy kịch, nhiễm khuẩn đa kháng, có nguy cơ tử vong và sự chăm sóc y tế của bệnh viện càng ngày càng tệ, nên ngày 06/01/2025 gia đình ký giấy xin cho bệnh nhân xuất viện. Bệnh nhân xuất viện lúc 6h18 phút ngày 07/01/2025, tử vong lúc 9h35 phút cùng ngày tại nhà riêng”.
Cần xem xét trách nhiệm tập thể cá nhân và làm rõ hành vi buôn bán vật tư y tế
Trả lời về những bức xúc của người nhà bệnh nhân, ngày 03/03/2025 bà Trần Thị Oanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Đức Giang đã ký thông báo số 341/ BVĐKĐG-TTND trả lời với nội dung: “… Đây không phải là rường hợp cấp cứu vì bệnh nhân vẫn đi tiểu được bằng đường dưới, các thông số huyết động bình thường, nên chưa cần phải đặt lại sonde ngay hay làm phẫu thuật.
Khoa Nội thận tiết niệu: Tổ chức họp khoa, đề nghị bác sĩ Hoàng Anh viết bản tường trình báo cáo về công tác hội chẩn, tư vấn giải thích cho người nhà người bệnh. Làm biên bản họp rút kinh nghiệm trong công tác, phương hướng xử lý về chuyên môn.
Về thái độ, tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa đúng mực tại khoa Ngoại thận tiết niệu. Đề nghị khoa Ngoại thận họp lại, phê bình và đề xuất phạt cá nhân vi phạm quy tắc giao tiếp ứng xử theo quy chế để Ban giám đốc ký quyết định.
Do bệnh nhân không phải trường hợp cấp cứu, trong quá trình điều trị các bác sĩ của khoa Nội thận tiết niệu và Ngoại thận tiết niệu đã xin ý kiến chuyên môn qua hình thức online (kiểm tra có tin nhắn). Các bác sĩ 2 khoa giải thích với gia đình đã không làm rõ ràng các vấn đề, để gia đình hiểu sai về tình trạng bệnh và yêu cầu về chuyên môn. Vấn đề này, hội đồng chuyên môn đã kết luật tại mục trên và các bác sĩ tham gia điều trị ngày 10 và 11/12/2024 đều phải viết bản tường trình cũng như xử lý theo quy chế dân chủ nội bộ cơ quan…”.
Trả lời PV Thương hiệu & Pháp luật, về việc bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh sử dụng bộ sonde foley14,47Fr không thông báo với gia đình bệnh nhân và yêu cầu gia đình thanh toán chi phí cho một số tài khoản có tên Bùi Hồng Vân, bác sĩ Trần Thị Oanh, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp trang thiết bị vật tư đầy đủ cho các kỹ thuật viên, thì về nguyên tắc là sẽ phải dùng các cái sản phẩm sonde foley mà bệnh viện đã đấu thầu, đã được các cơ quan quản lý phê duyệt. Trong bệnh viện, vật tư từ các hãng cung cấp được chuyển về các khoa lâm sàng hoặc các phòng để triển khai kỹ thuật”.Bác sĩ Oanh cũng khẳng định: “Bệnh viện luôn luôn dự trù các vật tư, trang thiết bị để đáp ứng tất cả các chuyên môn, kỹ thuật mà bệnh viện đang triển khai thực hiện”.
Bác sĩ Trần Kim Oanh nhấn mạnh, việc bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh tự ý lấy bộ sản phẩm sonde foley 14.47Fr về thay cho bệnh nhân đã vi phạm quy chế và đã bị Giám đốc bệnh viện ký quyết định xử phạt “về việc sử dụng vật tư y tế không thuộc các sản phẩm mà bệnh viện đã đấu thầu và chuyển về các khoa để triển khai kỹ thuật”.
Toàn cảnh buổi họp báo do Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tổ chức. (ảnh: PV TH&PL)
Nói về nguồn gốc của bộ sản phẩm sonde foley 14.47 Fr đã được sử dụng cho bệnh nhân Hạnh, ông Trần Anh Long – Thanh tra nhân dân, Trưởng khoa chỉ đạo tuyến khẳng định: “sonde foley 14,47Fr không phải là của bệnh viện mà của bên ngoài, nên bệnh viện sẽ không truy xét nguồn gốc của cái sonde này, bệnh viện không liên quan”. Ông Long nói tiếp: “Tại sao chúng tôi không trả lời về tài khoản ngân hàng mang tên bà Bui Hong Van, vì tôi bết bà ấy cũng là bác sĩ. Nhưng người ta không trục lợi, tôi khẳng định người ta không trục lợi…”.
Để không ai phải chịu nỗi đau giống như gia đình bệnh nhân Hà Văn Hạnh, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong công tác khám chữa bệnh và buôn bán vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh này.
Nhóm PV
Tin khác
Bộ Công Thương ban hành kế hoạch cắt giảm ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh
Hơn 50.000 người khuấy động Ocean City trong Ngày hội Xanh lớn nhất Việt Nam
Công ty cổ phần Sao Thái Dương lên tiếng về lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin
VSAPS lần thứ 9 - năm 2025: Nơi dấu ấn y đức và kỹ thuật được tôn vinh
Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp
Tân Á Đại Thành ra mắt website mới: Bước tiến trong chuyển đổi số
Bộ Công Thương khẳng định không cấp phép cho gần 600 sản phẩm sữa giả
THPL - Bộ Công Thương cho biết không cấp phép và quản lý trực tiếp chất lượng của gần 600 loại sữa giả của Công ty Rance Pharma và Công ty...15/04/2025 10:03:47Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước về chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng
(THPL) - Thủ tướng yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh...15/04/2025 09:59:48Xu hướng mới: Tiền gửi sinh lời tối ưu
(THPL) - Không đơn thuần là một kênh gửi tiền, sản phẩm Max Savings – Tiền gửi sinh lời tối ưu của Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã mang đến...15/04/2025 10:00:38Thúc đẩy chuyển đổi số, đưa khoa học công nghệ trở thành “điểm sáng” trong quan hệ Việt - Trung
(THPL) - Hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác chuyển đổi...15/04/2025 09:16:06