04:07 ngày 20/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới

19:10 09/10/2024

(THPL) - Theo thống kê của Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng mạnh, gần gấp 10 lần.

Cũng theo khảo sát của Amazon, những ngành hàng Việt bán chạy nhất trên sàn, gồm: sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, trang trí nhà cửa, nhà bếp, sản phẩm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc, làm đẹp. Phần lớn đây là những sản phẩm độc đáo, có yếu tố bền vững. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác như Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Không chỉ xuất khẩu qua Amazon, hàng hóa Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới Alibaba. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027, nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Sản phẩm trang trí nhà cửa – một trong những mặt hàng Việt Nam bán chạy trên sàn TMĐT xuyên biên giới (Nguồn: Internet)

Theo bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam ngày càng cạnh tranh và được đánh giá cao bởi thị trường quốc tế không chỉ vì yếu tố giá cả mà còn từ thiết kế, mẫu mã và chất lượng. Một lợi thế cạnh tranh vượt trội là hàng Việt Nam  đang được hưởng những lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, thuế xuất nhập khẩu thấp hoặc đạt mức bằng 0...

Tuy nhiên, còn không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt khi tham gia TMĐT xuyên biên giới. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới còn nhiều hạn chế; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài, vấn đề thanh toán, logistics và chuỗi cung ứng.

Để bán hàng thành công trên các sàn TMĐT quốc tế, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tìm hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua thương hiệu lựa chọn, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp, cũng như phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến. Các sản phẩm đăng bán cần được đóng gói đẹp, nâng cao chất lượng, sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm không được vi phạm thương hiệu.

Để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu online, Bộ Công thương đang nỗ lực phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hoàn thiện những nền tảng số tương ứng với hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp. Bên cạnh đó, đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn TMĐT trong và ngoài nước; từng bước xây dựng gian hàng chung, gian hàng quốc gia Việt Nam tại các sàn TMĐT lớn trên thế giới, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh sản phẩm tới khách hàng quốc tế…

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu