05:34 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Kinh doanh đa cấp trái phép bị phạt đến 5 năm tù

| 06:28 21/06/2017

(THPL) - 434/457 đại biểu có mặt tại hội trường Quốc hội chiều 20-6 đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Có 19 đại biểu không tán thành, 4 người không biểu quyết.

Như vậy, với 88,39% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua, Luật sửa đổi, bổ sung, toàn bộ các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.

Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung dự thảo luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13. Ảnh: Internet

Theo đó, trường hợp người nào lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xử lý về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp mà sẽ xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), nếu có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290). Quy định này là rõ ràng, minh bạch.

Đồng thời, do tội danh này chỉ điều chỉnh đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nên hình phạt đến 5 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (Tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 của BLHS năm 1999 chỉ quy định hình phạt cao nhất là 02 năm tù).

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Luật quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với điều 19: Không tố giác tội phạm, Luật quy định: Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi  bào chữa.

Trước đó, sáng 19/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của  Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), theo Tuổi Trẻ đưa tin.

Luật quy định cụ thể về các thiệt hại, chi phí được bồi thường và việc xác định thiệt hại, chi phí, đặc biệt trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí được bồi thường.

Cụ thể như chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.

Khi đó, các chi phí được bồi thường sẽ tính dựa trên lương cơ sở, cước phí bưu chính...

Luật cũng quy định người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Phương Nhi (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu