20:12 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Nhiều bất cập tại các điểm tận thu khoáng sản trên địa bàn huyện Thọ Xuân

Lê Duy | 08:25 15/05/2024

(THPL) - Chỉ trong 1 tháng, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đại diện cho UBND tỉnh Thanh Hóa ký cấp quyền khai thác đất tận thu cho 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 điểm tại xã Xuân Phú và 1 điểm mỏ tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân. Việc cấp giấy phép tận thu đã khiến tình hình ANTT cũng như công tác đảm bảo môi trường tại vị trí cấp điểm khai thác và các tuyến đường trong thời gian qua có nhiều bất cập.

Qua tìm hiểu được biết, chỉ trong tháng 1/2024, đại diện cho UBND tỉnh Thanh Hóa là ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký cấp duyệt phương án cho 4 điểm tận thu đất thải trong quá trình thi công phương án hạ thấp độ cao mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm trên địa bàn xã Xuân Phú và thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.

Chỉ trong một thời gian ngắn, việc phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký cấp phép liên tiếp đến 4 điểm tận thu đất trên 1 địa bàn đã khiến cho tình hình an ninh trật tự, cũng như công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn xã và tuyến đường có xe chở khoáng sản đi qua có nhiều bất cập.

Một điểm tận thu san gạt độ cao tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Hơn thế nữa, trên địa bàn xã Xuân Phú, có đến 3 điểm tận thu và có hai tuyến đường độc đạo là đường mòn Hồ Chí Minh và đường QL 47. Việc cấp phép ồ ạt đã khiến giao thông trên tuyến đường này trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát tình hình ANTT.

Cụ thể, vào ngày 30/1/2024, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký việc giải quyết đề nghị tận thu cho Công ty TNHH sản xuất TM và Dịch vụ An Phát về phương án san gạt, hạ độ cao để xây dựng nhà ở riêng lẻ tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân.

Tiếp đó, ngày 9/1/2024, cũng thay mặt UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Giang tiếp tục ký công văn số 493/UBND-CN cho Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Hải Linh được phép san lấp hạ độ cao để xây dựng nhà ở riêng lẻ tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân.

Tại điểm tận thu này lúc cao điểm có đến gần chục chiếc xe chờ "ăn đất"

Đến ngày 10/1/2024, ông Lê Đức Giang ký tiếp văn bản số 517 về phương án hạ độ cao xây dựng nhà ở riêng lẻ tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân cho Công ty TNHH vận tải Đăng Khoa, với thời hạn tận thu là 5 tháng, là loại đất san lấp.

Và cuối cùng ngày 16/1/2024, ông Giang lại tiếp tục ký cho Công ty TNHH Hùng Quân TH phương án san gạt hạ độ cao để xây dựng nhà ở tại xã Xuân Phú với thời hạn 5 tháng, là loại đất san lấp.

Trước thực trạng trên, ngày 14/3/2024, văn phòng Quản lý Đường bộ II.1 đã nhiều lần cử thanh tra phối hợp với Công ty CPQL&XDĐB 470 làm việc trực tiếp với các chủ mỏ vật liệu, doanh nghiệp khai thác mỏ và đơn vị thi công liên quan, yêu cầu có biện pháp khắc phục tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình trạng nêu trên vẫn tiếp tục tái diễn.
Văn bản của Văn phòng Quản lý đường bộ II.1 đề nghị xử lý xe chở vật liệu từ các mỏ ra tuyến đường mòn Hồ Chí Minh gây ô nhiễm môi trường.

Việc ký là san gạt và hạ độ cao nhưng thực chất là các đơn vị được cấp phép đã “mặc nhiên” bán đất cho các công trình xây dựng mà thiếu đi việc giám sát, quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để tránh thất thoát nguồn tài nguyên.

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật, đại diện một đơn vị quản lý giao thông trên tuyến này cho biết: “Trong một thời gian ngắn tỉnh cấp phép cho nhiều mỏ trên 1 địa bàn, nhất là ở xã Xuân Phú có đến 3 điểm tận thu, còn ở thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân có 1 điểm tận thu thì quả thật là chúng tôi rất khó kiểm soát".

Tận thu, san gạt độ cao nhưng thực chất là đưa tài nguyên đi tiêu thụ.

"Do hiện nay có nhiều công trình ở các huyện như Thiệu Hóa, Đông Sơn, TP Thanh Hóa… đang rất cần vật liệu san lấp, sau khi được cấp điểm tận thu, các xe tải ồ ạt kéo về đây mua đất chở đi, việc các xe tải ồ ạt kéo về đã làm tuyến đường trở nên đông đúc và khó khăn hơn trong công tác đảm bảo giao thông, dù anh em đã rất cố gắng nhưng không sao kiểm soát hết được. Đề nghị tỉnh có kế hoạch cấp phép khoa học và hợp lý hơn để anh em làm nhiệm vụ đỡ vất vả", đại diện một đơn vị quản lý tuyến đường QL 47 và tuyến đương mòn HCM cho biết.

Danh sách các điểm tận thu đất tại huyện Thọ Xuân, trong đó xã Xuân Phú có đến 3 điểm tận thu.

Trao đổi với nhanh với PV về vấn đề này, lãnh đạo phòng TNMT huyện Thọ Xuân cho biết: “Đến nay việc cấp phép cho các điểm tận thu là thuộc thẩm quyền của tỉnh, chúng tôi cũng chưa nắm được là trên địa bàn xã Xuân Phú có mấy điểm tận thu, để tôi cho anh em kiểm tra xem thế nào rồi trả lời sau”.

Liên lạc với đại diện lãnh đạo UBND xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân được vị này cho biết: “Hiện các đơn vị đang thực hiện việc tận thu tại các điểm được phép tận thu, còn việc có ô nhiễm hay không, để tôi cho người kiểm tra mới biết được”, vị này cho biết.

Tại các điểm tận thu được chấp thuận, đơn vị tận thu đã vô tư bán đất (chưa xác định được có hóa đơn hay không) cho các nhà xe đưa về công trình ở các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa. Tình hình an ninh trật tự cũng như ô nhiễm môi trường khiến người dân bất bình.

Như vậy, có thể thấy, sau khi được cấp phép cho hoạt động khai thác, các doanh nghiệp đã tự cho mình quyền định đoạt tài nguyên khoáng sản mà không cần thông qua cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa có biện pháp xử lý thực trạng này.

Lê Duy

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu