14:45 ngày 25/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam

16:03 13/03/2025

(THPL) - Hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của nước ta.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm nay đạt gần 9,4 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2024. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, gỗ và các sản phẩm từ gỗ dẫn đầu với hơn 2,5 tỷ USD, tăng 12,4%.

Trong 2 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam (chiếm 55% tổng kim ngạch). Các đơn hàng gỗ nhập khẩu vào Mỹ tăng đều trong thời gian gần đây và nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2025.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Nhật Bản (chiếm 11,7% tổng kim ngạch) và Trung Quốc (chiếm 9,8% tổng kim ngạch).

Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo nhận định của các chuyên gia, tuy xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi nhưng thời gian tới, ngành gỗ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc của gỗ (bảo đảm hợp pháp, không làm mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính).

Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… ngày càng thắt chặt yêu cầu về xuất xứ gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao kiểm soát chuỗi cung ứng; các thị trường như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều là các đối thủ cạnh tranh mạnh trong khu vực; nguy cơ suy giảm kinh tế tại các thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.

Trước đó, khi đánh giá về thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty S Furniture - một doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất đối với ngành gỗ của Việt Nam.

Hiện nay, thị trường này đang rất ổn định, hơn nữa, quốc gia này vừa xảy ra cháy rừng rất lớn, rất nhiều dự án lớn bị mất đi, dẫn đến nhu cầu tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất gỗ của Việt Nam, khi nhu cầu tái thiết lại nhà cửa, dự án sẽ rất lớn trong những năm sắp tới.

“Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khiến lượng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam khá nhiều, bởi cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đã tốt lên nhiều so với trước đây.

Ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành gỗ cũng đã phát triển; người lao động khéo tay, sản xuất ra những sản phẩm đẹp, chất lượng tốt. Đây là những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác trong khu vực”, ông Vạn thông tin.

Ở góc độ Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại  cho biết, để hỗ trợ ngành gỗ Việt Nam bắt nhịp được với xu thế này, Cục Xúc tiến thương mại cho biết sẽ xây dựng Chiến lược xúc tiến xuất khẩu nhằm mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 25 tỷ USD năm 2030, ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững dựa trên việc chủ động nguồn cung nguyên liệu, sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực tuân thủ và đạt chứng nhận cho các doanh nghiệp gỗ góp phần tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường, mở rộng cơ hội xuất khẩu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn cũng giúp giảm thiểu rủi ro về pháp lý và thương mại cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ Việt.

Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhìn nhận, ngành lâm nghiệp nói chung, xuất khẩu gỗ và lâm sản nói riêng còn nhiều dư địa để phát triển.

Nhấn mạnh về định hướng “bền vững”, “đa mục tiêu” cho lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hy vọng trong thời gian tới, thông qua thay đổi phương thức quản lý, ngành lâm nghiệp sẽ tăng hơn nữa hàm lượng, công nghệ chế biến, bước khỏi vùng “tăng trưởng an toàn” 5% và sớm bứt phá, đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để ngành gỗ phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì lợi thế cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới.

Phương Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu