22:20 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phú Thọ: Làng nghề truyền thống có "duyên phận" với hạt gạo

07:52 21/04/2021

(THPL) - Ai đã có dịp đến Phú Thọ chắc hẳn sẽ không quên được những làn điệu hát xoan của các bà, các chị; những món ăn đặc sản được làm từ các làng nghề ở vùng đất tổ Vua Hùng. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của làng nghề mỳ gạo Hùng Lô đã giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Cách TP. Việt Trì khoảng 8km là làng cổ Hùng Lô - mảnh đất hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô. Trải qua bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn mọi kiến trúc cổ xưa và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1990.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Tương truyền, mảnh đất này chính là nơi vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình bắt đầu được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.

Khi được hỏi về lịch sử làm mỳ gạo của làng Hùng Lô xuất hiện từ bao giờ thì hầu hết mọi người trong làng đều không biết. Tuy nhiên, có một điều trong tiềm thức xa xăm của người dân làng là cảnh nhà nhà làm mỳ, người người làm mỳ. Mỳ gạo phơi trên những chiếc phên nứa, xếp dài dằng dặc trên những con đường dẫn vào làng.

Mỳ gạo phơi trên những chiếc phên nứa, xếp dài dằng dặc trên những con đường dẫn vào làng.
Đi qua nhiều năm tháng, mì gạo Hùng Lô vẫn giữ nguyên được vị ngon vốn có

Đến với làng nghề làm mỳ gạo Hùng Lô vào những ngày tháng 4 trong cái nắng dịu mát của buổi sáng sau cơn mưa kéo dài chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân làm mỳ gạo đang tất bật phơi mỳ.

Nghề làm mì gạo không đòi hỏi vốn lớn nên hộ gia đình nào cũng có thể làm được, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, rải rác khắp các xóm thuộc xã Hùng Lô. Trước đây người làm nghề hoàn toàn làm thủ công, hiện nay đã có máy móc thay thế sức người nên năng suất và sản lượng không ngừng tăng lên, có hộ gia đình đạt sản lượng tới 2 - 3 tạ mì/ngày.

Hỏi thăm các cụ cao niên trong làng, chúng tôi được biết: Mỳ gạo tại xã Hùng Lô có tiếng là ngon bởi bí quyết gia truyền của người dân trong làng nghề đã tạo nên những sợi mỳ nhỏ, trắng, sạch, dai, nấu không bị nát… nhờ đó mà thương hiệu vang xa.

Bên cạnh đó, mỳ gạo Hùng Lô còn mang hương thơm đặc trưng riêng của vùng đất tổ, không hề sử dụng hóa chất, sợi mỳ bóng đẹp. Có lẽ vì thế, bát canh mỳ gạo với thịt gà, mộc nhĩ trở thành hương vị không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người dân Việt từ xa xưa.

Đi qua nhiều năm tháng, mì gạo Hùng Lô vẫn giữ nguyên được vị ngon vốn có. Hiện nay, hợp tác xã (HTX) mì gạo Hùng Lô đang từng bước phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ đó góp phần cải thiện đời sống và đưa thương hiệu mì gạo Hùng Lô không ngừng vươn xa.

Năm 2004, nghề làm mì đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, tháng 7/2016, HTX mỳ gạo Hùng Lô được thành lập, quyền thương hiệu cho sản phẩm mì, bún sạch của làng cũng được đăng ký. Trên địa bàn xã Hùng Lô hiện nay có khoảng 27 hộ gia đình đang phát triển nghề làm mì gạo này. 

Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX mỳ gạo Hùng Lô đã xây dựng nhà giới thiệu sản phẩm, sân phơi, hệ thống sấy mỳ với giá trị đầu tư hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra với vai trò “bà đỡ”, Liên minh HTX tỉnh còn giúp đưa sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô đi quảng bá rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và tham gia trưng bày, bán sản phẩm ở các hội chợ thương mại.

Nhờ đó, HTX đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn như: Công ty thiên nhiên xanh Việt Nam, Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, siêu thị Mường Thanh…; liên kết xây dựng được đầu mối bán buôn ở 8 tỉnh thành trong cả nước như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau... 

Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ 40 - 45 tấn sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động

Thị trường mở rộng, sản lượng tăng cao, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ 40 - 45 tấn sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở 2 dòng sản phẩm chủ đạo là mì gạo và bún khô, HTX đang tập trung nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm dòng sản phẩm mì phở cao cấp nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm, mở rộng đối tượng sử dụng và tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1.000 tấn/năm.

Cũng theo chia sẻ của anh Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô cho biết: “Sau khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm đã có bao bì, tem mác theo đúng quy định, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp, chiến lược phát triển để tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua đa dạng các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc mua, bán sản phẩm với mong muốn tạo nên sự đơn giản, thuận tiện cho người tiêu dùng”.

Không chỉ nổi tiếng về sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô, làng nghề này còn là một điểm khám phá du lịch vô cùng thú vị cho những ai yêu thích vẻ đẹp thôn quê, muốn tận hưởng một không gian sống yên bình trong những ngôi đình lịch sử nhiều năm tuổi.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu