10:10 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề truyền thống Lưu Thượng: Ngôi làng đan cỏ tế thành tiền

09:43 06/04/2021

(THPL) - Đến với mảnh đất Phú Xuyên – Hà Nội, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của vùng đất đầy tiềm năng này. Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa tại các làng nghề truyền thống vẫn được người dân nơi đây lưu giữ và phát triển, trong đó có nghề đan cỏ tế Lưu Thượng.

Cách Hà Nội chừng 40 km, làng Lưu Thượng, thuộc xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế có lịch sử hơn 400 năm.

Theo các cụ cao niên trong làng: Vào khoảng thế kỷ XVII, dân cư ở Phú Túc còn thưa thớt, đất đai hoang hóa, mọc đầy cỏ dại. Lúc đó, bà Nguyễn Thảo Lâm đến Phú Túc an cư, lập nghiệp và đã phát hiện ra loại cỏ có thể đan lát thành các vật dụng dùng trong gia đình.

Thấy vậy, người dân trong vùng đã học làm theo rồi tiếp tục truyền nghề từ đời này sang đời khác. Để ghi ơn người có công phát hiện ra cỏ tế, người dân đã tôn vinh bà là tổ nghề và thờ phụng tại đình làng Lưu Thượng.

Hỏi thăm các nghệ nhân trong làng, chúng tôi được biết: Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp).

Nghề đan cỏ tế Lưu Thượng, Phú Xuyên có lịch sử hơn 400 năm.
Những nghệ nhân làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng đã biến những loài cây hoang dại trở nên hữu ích, tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao.

Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc.

Đặc biệt, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều.

Với đôi bàn tay khéo léo, tài hòa, những nghệ nhân làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng đã biến những loài cây hoang dại trở nên hữu ích, tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Và những sản phẩm này, sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.

Nếu trước đây, nghề đan cỏ tế Lưu Thượng là một nghề thủ công, quy trình sản xuất đều được làm bằng tay nên những người thợ làm nghề không cần đầu tư quá nhiều.

Chẳng hạn: Để sản xuất ra những sản phẩm từ cỏ tế, mỗi gia đình chỉ cần chuẩn bị một lò sấy hơi, bể nhúng, có diện tích làm sân dốc nước và phơi khô sản phẩm.

Những sản phẩm rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống... với đủ màu sắc được tạo ra dưới những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân trong làng

Tuy nhiên, những năm gần đây nghề đan cỏ tế Lưu Thượng đã và đang được phát triển theo chuyên môn hóa đến từng công đoạn theo quy mô hộ gia đình. Có hộ gia đình chỉ chuyên chẻ cỏ, có hộ chỉ chuyên đan phần thân, có hộ chỉ chuyên đan phần đế, có hộ lại chỉ chuyên phơi sấy hong khô và phun bóng.

Sau khi luân chuyển sản phẩm qua đủ các giai đoạn sẽ được thu gom lại ở tại một điểm nhất định để tiến hành đóng nhãn mác và hoàn thiện các khâu còn lại, đem đi tiêu thụ.

Với ưu điểm nguyên liệu sản xuất là tự nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành rẻ, các sản phẩm cỏ tế ở Phú Túc không những được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông…

Đến với làng Lưu Thượng, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất đan cỏ tế mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã. Những sản phẩm rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống... với đủ màu sắc được tạo ra dưới những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân trong làng khiến chúng tôi không khỏi thích thú và tò mò. Những sản phẩm này không chỉ làm vật dụng trong gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê mà còn mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng và yếu tố thẩm mỹ.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu